Chế tài nghiêm khắc, thông điệp rõ ràng...

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 20:55 - Chia sẻ

Theo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ Mười bốn vừa qua về lĩnh vực đầu tư công, có rất nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.

Đó là các vấn đề như chất lượng xây dựng, giao kế hoạch không đáp ứng yêu cầu đề ra. Cụ thể như giao kế hoạch vốn nhiều lần trong năm; phân bổ không theo thứ tự ưu tiên; giao vốn đầu tư chậm; bố trí vốn quá thời gian quy định; bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch; phân bổ vốn vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt mức quy định, không đúng đối tượng, không đúng tính chất nguồn vốn. Bên cạnh đó là tình trạng phân bổ vốn dàn trải, phân tán; công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập; việc tổ chức thực hiện chưa thật sự quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm...

Theo tổng hợp báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, có tới hàng nghìn dự án trong giai đoạn 2016 - 2021 chậm tiến độ, trong đó đáng chú ý hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ. Ví dụ năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Ngoài ra, có hàng nghìn dự án điều chỉnh quyết định đầu tư, trong đó có nhiều dự án phải điều chỉnh dự án nhiều lần; nhiều dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Theo tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021 có 363 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, trong đó năm 2016 là 27 dự án, năm 2017 là 225 dự án, năm 2018 là 25 dự án, năm 2019 là 18 dự án, năm 2020 là 51 dự án, năm 2021 là 17 dự án có thất thoát, lãng phí...

Dễ thấy, với hàng nghìn dự án chậm tiến độ đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách đầu tư công, tiền vay nợ không giải ngân được, nguy cơ lãng phí rất lớn, giảm giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư của đất nước; tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ kế hoạch, mục tiêu phát triển. Và đương nhiên, sự "sốt ruột", lo lắng của Quốc hội, Chính phủ cũng như người đứng đầu không ít địa phương là rõ ràng.

Thế nhưng, ngoài các kiến nghị của Đoàn giám sát như Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch lộ trình để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ; thống kê đầy đủ các dự án BT và các dự án BOT đang triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; xử lý dứt điểm các tồn đọng các dự án BT dở dang; nghiên cứu phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước để mua lại các dự án đầu tư theo hình thức BOT gặp khó khăn, vướng mắc; đánh giá, dừng thực hiện đối với các dự án dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả... thì điều quan trọng là phải có chế tài nghiêm khắc, thông điệp rõ ràng với các chủ đầu tư khi để dự án chậm tiến độ.

Ninh Khương
#