Không để chậm vì rào cản thủ tục

- Thứ Bảy, 10/07/2021, 06:24 - Bản đầy đủ
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, gói hỗ trợ này sẽ rút kinh nghiệm những vướng mắc ở lần hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Lần này, gói hỗ trợ được thiết kế với nhiều nỗ lực cải tiến như: Hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết chỉ trong 2 - 3 ngày; sẽ rà soát, cắt bỏ 60% các thủ tục rườm rà. “Trên tinh thần cái gì luật không bắt buộc thì không cần, tinh giản tối đa các thủ tục làm sao để thông thoáng nhất”. Đặc biệt, mỗi thứ trưởng của bộ được giao phụ trách một lĩnh vực, phải "đeo bám" và có trách nhiệm đến cùng để cho thấy quyết tâm mạnh mẽ tiếp sức và trợ lực cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.

Ngày 2.7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với số tiền lên tới 26.000 tỷ đồng. So với đợt hỗ trợ năm 2020, số tiền lần này chỉ bằng 1/3, nhưng người dân, doanh nghiệp rất kỳ vọng lần này các vướng mắc thủ tục sẽ được cắt bỏ để rút ngắn tối đa độ trễ chính sách, đối tượng hưởng thụ sớm được tiếp cận.

Ban hành chính sách hỗ trợ đúng thời điểm là điều hết sức quan trọng, nhưng làm gì để chính sách đi vào cuộc sống, các đối tượng sớm được thụ hưởng mới là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của chính sách. Trong bối cảnh tác động của đại dịch đã kéo dài, khiến sức chịu đựng của người lao động và doanh nghiệp ngày càng suy yếu, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cần phải khắc phục triệt để những “nút thắt”, thủ tục phải đơn giản, nhanh gọn. Nếu chính sách hỗ trợ không đến với các đối tượng kịp thời, qua đi “thời điểm vàng” thì không những chính sách sẽ giảm hiệu quả, mất đi ý nghĩa mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

Thực tế, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất là lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) và tiểu thương. Tuy nhiên, việc xác nhận để chi ngân sách hỗ trợ cho đúng, trúng lại không dễ. Hầu hết lao động tự tại các thành phố không có hộ khẩu, tạm trú. Để chứng minh không có thu nhập hoặc thu nhập dưới chuẩn cận nghèo không phải dễ. Chính quyền cũng lúng túng không có dữ liệu để xác nhận, lo thất thoát, chi sai đối tượng nên không thể chi trợ cấp. Nên chăng, cần giải pháp về miễn trừ một phần trách nhiệm cho chính quyền địa phương, chấp nhận việc họ có thể "chi nhầm" cho một số ít người, nhưng bảo đảm tất cả người cần đều được hỗ trợ?

Đợt dịch này kéo theo 12,8 triệu lao động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực, tăng 3,7 triệu người so với quý đầu năm, theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 6.7. Ngoài ra, 1,8 triệu người lâm vào cảnh không có việc và 1,4 triệu lao động đang mong manh do không có việc làm một cách chính thức. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Một gói hỗ trợ được triển khai thần tốc, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn ngặt nghèo này sẽ là nguồn trợ lực thiết thực về vật chất và cổ vũ tinh thần lớn cho toàn dân ta trong cuộc chiến chống Covid-19.

Khi "nút thắt" về thủ tục hành chính được tháo gỡ; các điều kiện để được hưởng hỗ trợ phù hợp, khả thi sẽ tạo tiền đề quan trọng để việc thực thi chính sách được thuận lợi. Người dân sẽ không phải tự chứng minh mình là đối tượng cần hỗ trợ hay những yêu cầu như tạm trú/hộ khẩu, giấy xác nhận hộ nghèo/cận nghèo. Hy vọng với các thủ tục thông thoáng, nhanh gọn như lời Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giúp người dân đang gặp khó khăn và hàng triệu lao động mất việc làm cũng như các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ để trụ vững trong cơn bão dịch lần thứ 4 này.

Vi Hoa

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP