Khi cán bộ vướng vòng lao lý

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:29 - Bản đầy đủ
Mấy ngày nay, việc Bộ Chính trị có quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Chung để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong một số vụ án theo quy định của pháp luật đang làm nóng dư luận.

Việc ông Chung có vi phạm pháp luật hay không vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định pháp luật. Nhưng việc một Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố bị tạm đình chỉ công tác để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan đến một số vụ án khiến chúng ta không khỏi đau lòng và cảm thấy tiếc nuối. Bởi ông Chung vốn là người có nhiều đóng góp, đặc biệt là trong mặt trận phòng, chống tội phạm.

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta chứng kiến cảnh “giữa đường đứt gánh” của người từng nắm cương vị lãnh đạo. Thời gian qua, không ít quan chức, lãnh đạo đã từng bị kỷ luật, bị vướng vòng lao lý. Có thể kể đến trường hợp ông Mai Văn Dâu - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại trước đây đã phải chịu án 12 năm tù vì Tội nhận hối lộ; ông Đinh La Thăng - từng là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng cũng phải chịu mức án tù. Hay gần đây nhất là trong vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) gây thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng. Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son, từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bị tuyên án chung thân vì Tội nhận hối lộ, ông Trương Minh Tuấn từng là Thứ trưởng của Bộ này cũng bị tuyên án 14 năm tù. Ngoài ra, hàng loạt các quan chức, lãnh đạo tại không ít địa phương cũng đã bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có nguyên nhân từ những cám dỗ vật chất.

Việc phát hiện vi phạm và xử lý nhiều cán bộ lãnh đạo cho thấy, pháp luật rất nghiêm minh. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy tồn tại, “nỗi buồn” trong công tác cán bộ. Liệu khâu cán bộ của chúng ta đầu vào bị buông lỏng không. Câu trả lời không hẳn thế. Bởi những cán bộ lãnh đạo vướng vòng lao lý trước đây họ đều là những cán bộ ưu tú, có nhiều đóng góp vì lợi ích chung. Có những người đã từng vào sinh ra tử, kẻ thù không khiến họ chùn bước. Tội phạm cũng không làm họ hoảng sợ, nhưng họ lại bị sát thương, phải đầu hàng, bị trả giá đắt bởi những cám dỗ lợi ích cá nhân mà họ không đủ tỉnh táo để vượt qua.

Ngoài việc không chịu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân còn có nguyên nhân từ chính khâu kiểm tra công vụ của chúng ta. Thực trạng này cũng đã được Ủy ban Tư pháp chỉ rõ trong Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Theo đó, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Rõ ràng việc yếu kém trong kiểm tra nội bộ đã dẫn đến sai phạm không được phát hiện, ngăn chặn sớm nên mới để “cái sảy nảy cái ung”. Hậu quả là, chúng ta mất cán bộ, gây thiệt hại về kinh tế. Và điều nguy hiểm hơn là gây mất niềm tin vào công tác cán bộ.

Xử lý cán bộ là điều không ai mong muốn. Nhưng sai phạm thì phải xử lý. Công - tội phải rõ ràng. Có như vậy, mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Giá như, mỗi cán bộ tự rèn dũa mình để tránh những cám dỗ. Giá như, công tác cán bộ được kiểm tra, rà soát thường xuyên… thì đã không xảy những bản án đau lòng dành cho những người từng là lãnh đạo. Và chúng ta đã không bị mất đi cán bộ có tài nhưng đã vội tàn.

Song Hà

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP