Góc nhìn

Giảm thủ tục, tăng quyền lợi

- Thứ Ba, 26/05/2020, 06:59 - Chia sẻ
Hôm qua (25.5), Bộ Tài chính ra thông báo hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý, giám sát, nhằm nâng cao chất lượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo đó, trong Thông báo hỏa tốc số 349/TB-BTC, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP) trong tháng 5.2020 để Bộ Tài chính trình Chính phủ. Theo thông báo này, dự thảo mới cần theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, tăng cường hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm.

Quy định chủ xe phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thực tế đã được thực thi từ lâu nhưng gần đây lại tiếp tục “nóng” khi cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ từ 15.5 - 14.6. Dù không thể phủ nhận vai trò của loại hình bảo hiểm này trong việc bảo vệ lợi ích người bị nạn, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời giảm trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với vụ tai nạn. Nhưng cách thức triển khai hiện nay chưa làm bật lên vai trò đó. Số tiền mà người tham gia bảo hiểm đã đóng góp và quyền lợi mà người được hưởng là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông lại chênh lệch đến mức giật mình

Theo công bố của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2019 doanh thu bảo hiểm xe máy là 765 tỷ đồng, nhưng bồi thường chỉ vỏn vẹn 45 tỷ đồng. Như vậy, số tiền doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy chỉ khoảng 1/20, tức là chỉ gần 6%. Đây là một con số thấp kỷ lục nếu so với các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác. Doanh nghiệp bảo hiểm lãi ròng lên tới 90%, không phải thực hiện theo đúng tính chất của bảo hiểm là đền bù thiệt hại khi không may xảy ra tai nạn. Nếu cứ duy trì tình trạng này, sẽ tạo ra bất công cho người tham gia bảo hiểm.

Thực tế, thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với xe máy đang có rất nhiều vấn đề, nên người dân chưa mặn mà mua sản phẩm này. Theo quy định, trách nhiệm bồi thường tối đa về người là 100 triệu đồng/vụ và thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ đối với tai nạn do xe máy gây ra. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tai nạn xe máy không được bồi thường bởi thủ tục để nhận khoản bảo hiểm này thì phần lớn người mua không biết và rất rắc rối. Chính những thủ tục lằng nhằng đã khiến chủ phương tiện rơi vào tâm lý “mua coi như mất”, mua để đối phó với công an.

Cần phải khẳng định là chủ trương mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe gắn máy là đúng, bởi nó gắn với trách nhiệm dân sự của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thay đổi tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy thấp như hiện nay (chỉ đạt 30% trên tổng số lượng cả nước có gần 60 triệu chiếc), phải sửa đổi quy định, không thể để người dân phải ngược chạy xuôi kiếm đủ thứ giấy tờ như hiện nay. Việc thu thập giấy tờ chứng minh tai nạn và thiệt hại là do doanh nghiệp bảo hiểm phụ trách, người tham gia chỉ có trách nhiệm hỗ trợ.

Hy vọng rằng, Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP sẽ xóa được những bất cập và lỗ hổng trên. Người dân khi bỏ ra một đồng sẽ biết được số tiền ấy chi vào việc gì, như thế nào, ai được lợi… Người dân ai chẳng muốn được an toàn và họ sẵn sàng chi tiền nếu việc đó là cần thiết và thuận tiện. Do đó, thủ tục chi trả bảo hiểm phải nhanh chóng, thuận tiện hơn mới khuyến khích người dân tích cực mua bảo hiểm. Và khi bắt buộc người dân mua bảo hiểm, cách thức quản lý của cơ quan chức năng phải chặt chẽ đối với người bán và cả trách nhiệm bồi thường cho người mua.

Duy Anh