Người dân chỉ cung cấp thông tin, giấy tờ một lần

- Chủ Nhật, 20/03/2022, 10:30 - Chia sẻ
Thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC theo hướng thông tin, giấy tờ của công dân chỉ cung cấp một lần.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tháng 3.2022, tích hợp đăng ký kết hôn, khai sinh lên cổng dịch vụ công
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: Nhật Bắc

Ưu tiên triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu

Theo Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đến tháng 6.2022, các bộ, cơ quan hoàn thành triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu bảo đảm thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhắc lại nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác thực hiện Đề án của Chính phủ cho biết, Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp. Việc triển khai Đề án phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài. Do đó, phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục thành lập mới doanh nghiệp

Đề án 06 gồm 5 nhóm tiện ích, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, tiện ích phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung cốt lõi, tạo cơ sở, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ khác của Đề án. Tiện ích, nhiệm vụ này gắn chặt với công tác số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và việc triển khai Đề án đổi mới trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần. Đây là yêu cầu quan trọng, thiết thực, nhằm giúp người dân được thụ hưởng ngay những kết quả đạt được của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thời gian qua, triển khai thực hiện Đề án có 62 bộ, ngành, địa phương đã thành lập Tổ công tác; 67 bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Đề án. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng chủ động tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam...

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, đây mới chỉ là bước đầu, các nhiệm vụ của Đề án thời gian tới là rất lớn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 để tạo bước khởi đầu vững chắc, hoàn thành các mục tiêu năm đầu của Đề án. Đặc biệt chú trọng việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư để tạo chuyển biến thực chất trong số hóa, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền; thúc đẩy triển khai 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó, trước hết ưu tiên triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06.

Tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022

Theo ông Ngô Hải Phan, có 13 nhóm nhiệm vụ chung địa phương phải chủ trì thực hiện, 40 nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan trung ương và tổ chức thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đối với người dân, tổ chức trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác và chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Do đó, các địa phương cần khẩn trương triển khai nhiệm vụ này và nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.

UBND TPHCM yêu cầu tăng làm thủ tục trực tuyến nhằm phòng, chống dịch Covid-19 ảnh 2
Người dân kiểm tra việc phát triển dịch vụ công trực tuyến tại UBND huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: sggp.org.vn

Cùng với đó, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải TTHC. Rà soát, tái cấu trúc quy trình cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Các địa phương thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC. Rà soát nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022” - ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh. 

Để thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng lộ trình của Đề án, cán bộ, công chức phải nhiệt huyết, công tâm, tinh thông nghiệp vụ và đổi mới sáng tạo, là chủ thể, trung tâm của công cuộc chuyển đổi số nói chung, triển khai Đề án nói riêng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Điều này cũng được Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC theo hướng thông tin, giấy tờ của công dân chỉ cung cấp một lần. Việc này cần hoàn thành chậm nhất trong tháng 4.2022, làm cơ sở nhân rộng việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác phục vụ số hóa trong giải TTHC.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ được giao chủ trì và Văn phòng Chính phủ để tổ chức triển khai, cung cấp cho người dân; đồng thời, theo dõi, giám sát để đảm bảo việc thực hiện thực chất, có hiệu quả thực sự, tạo tiền đề để triển khai nhân rộng với các dịch vụ công khác. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp theo yêu cầu tại Nghị định số 107/NĐ-CP và Quyết định số 468/QĐ-TTg.

Theo lộ trình tại Đề án 06, ngoài 14 dịch vụ công trên, đến hết tháng 5.2022, các bộ, cơ quan phải hoàn thành cung cấp thêm 11 dịch vụ công khác.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 đối với hai dịch vụ công là cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V) và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện).

Văn phòng Chính phủ đang tái cấu trúc quy trình đối với hai nhóm dịch vụ công là liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích hợp dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp với dữ liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trách nhiệm tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Bộ Tài chính thực hiện cung cấp dịch vụ đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân (dịch vụ này đang thực hiện trên môi trường thử nghiệm, cấp độ 4).

Song Hà