Chú trọng chất lượng tăng trưởng, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch

- Chủ Nhật, 16/06/2024, 15:26 - Chia sẻ

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm là một trong những vấn đề đưa ra chất vấn với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV. Trong báo cáo gửi Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, quan điểm phát triển với ngành du lịch, đó là chú trong chất lượng và tính chuyên nghiệp của ngành này.

Phấn đấu tổng thu từ khách du lịch năm 2024 đạt 840.000 tỷ đồng

Trong Báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023, và nhiều danh hiệu cao quý khác cho các điểm đến như Hội An, TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở lưu trú du lịch.

Tính đến hết tháng 4.2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273.000 tỷ đồng. Toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ví dụ, một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam vẫn chưa phục hồi được như trước dịch (Nga, Nhật, Tây Âu) do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động. Nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cơ cấu nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới nổi như Ấn Độ.

Chú trọng chất lượng tăng trưởng, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch -0
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng còn thiếu những sản phẩm mới, đặc sắc nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm - ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế. Sản phẩm du lịch đường biển, đường sông còn thiếu cảng khách chuyên biệt, bến thủy, môi trường kênh rạch chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến việc phát triển tuyến du lịch đường biển, đường thủy nội đô.

Với phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Trong đó, sẽ tập trung triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm; tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; thu hút nguồn lực đầu tư; định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá; ứng dụng công nghệ thông tin.

Hoạt động vận tải khách du lịch vẫn còn nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng dù đã được mở rộng nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, mật độ phương tiện lưu thông cao nên thiếu điểm dừng đỗ đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan, ùn tắc cục bộ tại các cảng hàng không những dịp cao điểm du lịch; giá vé máy bay nội địa tăng cao do tình trạng thiếu hụt máy bay… Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch chiếm tỷ lệ cao nên khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường và mở rộng thương hiệu quốc tế còn hạn chế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển là chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; sự liên kết vùng, giữa các địa phương trong phát triển du lịch; sự liên kết giữa phát triển du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị; gắn với phát triển xanh, bền vững gắn theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Để tiếp tục kích cầu, phục hồi du lịch năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định: triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15.8.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Trong đó, chú trọng một số nội dung trọng tâm, như tham mưu phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch trong chỉ đạo điều phối hoạt động, thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch nhanh, bền vững. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai Kế hoạch tổng thể điều tra du lịch. Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp.

Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, đề xuất với các đơn vị liên quan ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm của Việt Nam. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên.

Anh Phương