Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cho biết, nhiệt độ toàn cầu có thể vượt quá mục tiêu tham vọng được đặt ra trong hiệp định khí hậu Paris. Tám năm nóng nhất từng được ghi nhận là từ năm 2015 đến năm 2022, nhưng nhiệt độ được dự báo trong thời gian tới sẽ còn tăng cao hơn nữa khi hiện tượng biến đổi khí hậu gia tăng.
WMO cho biết: “Có 98% khả năng ít nhất một trong 5 năm tới và cả giai đoạn 5 năm nói chung sẽ là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận”.
Thỏa thuận Paris 2015 chứng kiến các quốc gia đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức “thấp hơn” 2 độ C so với mức trung bình được đo từ năm 1850 đến năm 1900 – và dưới 1,5 độ C nếu có thể.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850 đến 1900.
WMO cho biết có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hàng năm sẽ vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp từ 2023 đến 2027.
Mặc dù điều này không có nghĩa là thế giới sẽ vĩnh viễn vượt quá tiêu chuẩn Paris, nhưng “WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta sẽ vi phạm mức 1,5 độ C trên cơ sở tạm thời với tần suất nóng lên ngày càng tăng”, giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết.
Ông nói: “El Nino dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra, đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có”.
“Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”, ông lưu ý.
El Nino là sự nóng lên quy mô lớn của nhiệt độ bề mặt ở trung tâm và phía đông xích đạo Thái Bình Dương. Hiện tượng thời tiết thường xảy ra sau hai đến bảy năm.
WMO cho biết hồi đầu tháng 5 rằng khả năng El Nino phát triển là 60% vào cuối tháng 7 và 80% vào cuối tháng 9.