1. Khủng hoảng nhập cư và “giấc ngủ sâu” của Aylan Kurdis
Năm 2015, sự kiện được nhắc tới gần như nhiều nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. Sự kiện này được ghi lại như cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ sau Thế chiến II. Không chỉ mang tới lục địa già con số hơn 1 triệu người tị nạn, cuộc khủng hoảng còn gửi tới những rắc rối về an ninh cũng như kinh tế cho nhiều nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tinh thần tương thân, hỗ trợ người tị nạn trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi thế giới chứng kiến hình ảnh “giấc ngủ sâu” của cậu bé 3 tuổi người Syria Aylan Kurdis trên bờ biển Địa Trung Hải.
2. Khủng bố Paris: Chủ nghĩa toàn cầu của IS
Vượt ra khỏi phạm vi Syria, Iraq, đại diện cho mảng đen kinh hoàng tại khu vực Trung Đông - Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tràn ra khắp thế giới, chạm tới châu Âu, châu Á… Mảng màu đen này tràn khắp trên diện rộng. Nhìn sâu trong mảng đen ấy sẽ thấy hiện ra 1 tháp Eiffel được thắp sáng bởi những ngọn nến, nguyện cầu cho 130 nạn nhân xấu số thiệt mạng trong vụ thảm sát đẫm máu tại Paris, Pháp hôm 13.11.
3. Thành công tại COP-21: Bước tiến của nhân loại
Đây có lẽ là vệt màu đáng nhắc tới cuối cùng trong bức tranh toàn cảnh. Vệt màu xanh, trùng với biểu tượng chiếc lá tại COP-21 tổ chức ở Paris, thành phố vừa chứng kiến cuộc thảm sát kinh hoàng cách đó không lâu. Chiếc lá COP-21 càng rực rỡ khi gần 200 nước tham dự hội nghị đạt thỏa thuận lịch sử về khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận mang ý nghĩa to lớn đối với Trái Đất bởi nó đánh dấu bước đầu của loài người trong quyết tâm gây dựng lại một hành tinh xanh.
4. TPP được ký kết: Cánh cửa mở cho Thái Bình Dương
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn thiện vào tháng 10.2015 với sự đồng thuận của Mỹ cùng các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Brunei, Chile, Singapore, New Zealand, Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico và Peru. Thỏa thuận còn được gọi là di sản mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama để lại trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Đối với ông Obama, thỏa thuận này đại diện cho nỗ lực bảo vệ thương mại, kinh tế và môi trường, đặc biệt bảo đảm khả năng cạnh tranh của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phát triển.
5. Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông
Năm vừa qua, Biển Đông tiếp tục dậy sóng khi Trung Quốc liên tục đơn phương tiến hành các hoạt động bồi đắp phi tự nhiên tại những rặng san hô và đá ngầm mà Trung Quốc tự xác lập chủ quyền bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng trong khu vực. Thái độ đầy thách thức của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Nhiều nước trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Australia đã tăng cường hợp tác trong các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
6. Mỹ - Cuba mở lại đại sứ quán: Kỷ nguyên mới trong quan hệ
Lần đầu tiên sau 54 năm, người dân Washington lại được chứng kiến quốc kỳ Cuba tung bay trên tòa đại sứ của Cuba tại Thủ đô và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là thời khắc lịch sử tuyệt đẹp ghi nhận sự kiện hai nước chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. Ngày 20.7, gần 500 khách mời đã chứng kiến các nghi thức thượng cờ tại trụ sở phái bộ Cuba ở Mỹ. Sự kiện được một nhà ngoại giao Mỹ bình luận như sau: “Sự kiện cho thấy Mỹ đã hoàn toàn bỏ lại tư duy Chiến tranh Lạnh sau lưng để cùng tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn trước mắt với Cuba”.
7. Thỏa thuận hạt nhân Iran: Không chỉ dừng ở vấn đề hạt nhân
Ngày 14.7, tại Vienna, Áo, Iran cùng 6 cường quốc thế giới đã đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử về vấn đề hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán. Thỏa thuận dựa trên 3 trụ cột chính: 1- Hạn chế chương trình hạt nhân Iran trong vòng 1 thập kỷ (trong đó có hạn chế làm giàu uranium và plutonium); 2- Dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế; 3- Tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát. Thỏa thuận trên không chỉ được hy vọng sẽ chấm dứt tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran kéo dài nhiều thập kỷ qua, mà còn là chất xúc tác cho quan hệ giữa Iran và phương Tây.
8. FED tăng lãi suất: mảng kinh tế thế giới chuyển màu
Sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% sau gần một thập kỷ đã làm chuyển sắc mảng kinh tế thế giới. Kể từ tháng 6.2006, FED luôn giữ lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0% nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế vốn đang chìm sâu vào suy thoái và thất nghiệp sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cuối năm 2008. Nhiều thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với khó khăn kinh tế do đồng USD tăng giá, tiền trả nợ cho Mỹ tăng lên khiến tình hình các nước này càng trở nên khó khăn. Các nhà phân tích nhận định, mỗi thị trường sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau do tác động của việc FED tăng lãi suất, song có thể không nghiêm trọng đến mức gây ra khủng hoảng như nhiều nền kinh tế đang lo ngại.
9. Nga không kích ở Syria: Ngã rẽ cho khủng hoảng
Trước sự phát triển mạnh mẽ của IS tại khu vực, đặc biệt sau khi IS nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom máy bay Nga ở Sinai, Ai Cập hồi tháng 10 khiến toàn bộ 224 người trên chuyến bay thiệt mạng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định đưa không quân Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Việc Nga tham gia cuộc chiến này đã tạo ra bước ngoặt đối với tình hình Syria: thứ nhất, nó tạo ra cục diện chiến tranh mới khi IS đang dần để mất lợi thế về phía Nga. Thứ hai, Nga đang từng bước làm lu mờ vị trí và sức ảnh hưởng của Mỹ cùng liên quân chống IS trong khu vực.
10. Thành lập Cộng đồng ASEAN: Xây dựng bản sắc chung
Vào ngày cuối cùng của năm 2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Với ba trụ cột gồm Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, Cộng đồng ASEAN hướng tới hợp tác toàn diện nhằm kiến tạo một nền an ninh toàn diện ở khu vực, ứng phó với các thách thức phi truyền thống; hình thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; lấy con người làm trung tâm, tiến tới xây dựng một bản sắc chung, tăng mức sống và phúc lợi cho người dân.