Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện

Yếu tố quyết định vị thế “ngôi đền tri thức”

- Chủ Nhật, 12/12/2021, 08:28 - Chia sẻ
Để phát triển sự nghiệp thư viện, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước, hơn bao giờ hết, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần được quan tâm đúng mức. Các chuyên gia cho rằng, nhân lực ngành thư viện cần theo hướng chuyên nghiệp của nghề thông tin và xem đó là chính sách phát triển nhân lực trí tuệ của quốc gia.

Chủ nhân của nguồn tin
Nguồn nhân lực thư viện những năm gần đây phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của ngành trong thời kỳ mới. Theo ước tính, cả nước có khoảng 20.000 người làm thư viện. Tuy nhiên, đánh giá chung của các nhà chuyên môn nhận định, khả năng thích ứng của đội ngũ thư viện với sự thay đổi còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng 4.0. Nhân lực thư viện chưa thật sự năng động, thiếu kiến thức chuyên môn mới, kiến thức quản lý và hoạt động trong môi trường hiện đại. 

Hiện nay, một số thư viện rất thiếu cán bộ được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... nhưng lại thừa cán bộ không có chuyên môn hoặc chuyên môn không phù hợp với thư viện; có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tác phong làm việc chuyên nghiệp giữa đội ngũ cán bộ ở thư viện quốc gia, thư viện tỉnh, thành phố lớn với thư viện ở các vùng miền kém phát triển khác...

Trong bối cảnh mới, nguồn nhân lực thư viện cần có khả năng làm việc chuyên nghiệp; nắm bắt được tri thức và công nghệ
Nguồn: toquoc.vn

Trong khi đó, để thư viện nhập cuộc với xu thế công nghệ một cách chủ động, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, cần đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực thư viện. TS. Phạm Văn Rính, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông phát triển không chỉ tác động tới phương thức hoạt động của thư viện mà còn cả thói quen và nhu cầu sử dụng thông tin của người đọc. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực thư viện ở Việt Nam cần có khả năng làm việc chuyên nghiệp; nắm bắt được tri thức và công nghệ; có tay nghề và kỹ năng thu nhập, khai thác và cung cấp thông tin, tri thức một cách chính xác và nhanh chóng cho người sử dụng dưới mọi dạng thức. 

Theo TS. Phạm Văn Rính, nguồn nhân lực thư viện phải thực sự trở thành chủ nhân của nguồn tin, thực hiện việc quản trị thông tin và tri thức cung cấp cho người sử dụng tại thư viện hoặc thông qua mạng...

Với việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế như hiện nay, nguồn nhân lực thư viện cần phải bảo đảm chuẩn hóa về trình độ, rút ngắn khoảng cách với quốc tế và khu vực trong triển khai và cung cấp các dịch vụ.

Nâng cao trình độ, có chính sách đãi ngộ

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành nhiều biện pháp mang tính tổng thể và bền vững, từ cơ chế, chính sách đến đào tạo, bồi dưỡng và cần có thời gian.

TS. Phạm Văn Rính góp ý, giải pháp cấp bách trước mắt là nâng cao trình độ và sự đãi ngộ với người làm công tác thư viện để họ có thể làm việc tốt hơn bằng các giải pháp cụ thể như: Xây dựng chính sách đào tạo và tăng cường đào tạo lại lao động hiện có. Trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi, đào tạo thường xuyên sẽ tạo điều kiện, khả năng bồi dưỡng cập nhật cho đào tạo cơ bản, giúp cán bộ thư viện nắm được những khái niệm mới, theo kịp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc của mình, chuẩn bị cho sự hình thành tính chất chuyên môn hóa trong nghề thư viện. Mặt khác, xã hội hóa công tác đào tạo cán bộ thư viện nhằm mở rộng cho người có nhu cầu học ngành thư viện. Đồng thời, tái cấu trúc, phân bố lại lao động hợp lý ở các thư viện và ở bình diện ngành; cải tiến chế độ lương, thưởng, kích thích người lao động có động lực làm việc hơn. 

Cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm cho cán bộ thư viện
Nguồn: baothainguyen.vn

Về lâu dài, xác định rõ nhân lực thư viện là nguồn tài nguyên quý tham gia vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực thư viện ở Việt Nam, điều chỉnh chính sách đã có, xây dựng chính sách mới về nguồn nhân lực của ngành; gắn chiến lược phát triển nguồn nhân lực thư viện với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. 

Bên cạnh đó, có các biện pháp trong khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thư viện; không ngừng nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm cho cán bộ thư viện, lãnh đạo quản lý, cán bộ nòng cốt để họ có thể điều phối hoạt động thư viện đi vào chiều sâu; có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực thư viện... 

“Để phát triển nguồn nhân lực thư viện phải bảo đảm 3 phương diện: Hoạch định chính sách, chiến lược phát triển thư viện, trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực và kế hoạch, mục tiêu cho từng thời kỳ; xây dựng hành lang pháp lý; chỉ đạo thực hiện kế hoạch và thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm...” - TS. Phạm Văn Rính nói.

Thư viện phát triển được hay không, vị thế của ngành thư viện nói chung và hệ thống thư viện công cộng nói riêng... phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Bởi vậy, khi có các quyết sách, giải pháp phù hợp phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, cập nhật xu thế hiện đại, hoạt động thư viện mới có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ngọc Phương