Tản mạn

Yên thân

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 09:18 - Chia sẻ
Càng ngày tôi càng ao ước giống bố. Được kệ xác và không phải làm những gì mình không thích, bất kể người khác nhìn việc đó thế nào. Càng ngày tôi càng ao ước sự dễ chịu của việc được "yên thân"...

Cách đây nhiều năm, bố tôi quyết định sẽ không làm những gì ông không thích. Và ông kệ người khác nhìn việc đó thế nào.

Như là ông nhất định không nghe điện thoại nữa. Kể cả các cuộc gọi của chị em ruột của ông ở nơi xa vì thương nhớ mà điện lên hỏi thăm sức khoẻ.

Như là ông sẽ nằm im trong chăn ấm và từ chối ra gặp khách, dù là họ từ nơi xa tới để thăm ông. Và trong khi mẹ tôi - vị “ngoại trưởng” chu toàn và quảng giao của cả gia đình - tơi bời đón khách và phân trần các thứ “ông nhà tôi mệt”, thì bố chỉ đơn giản là đang ngủ dở. Đôi khi có người đến nhà bất chợt và ông chưa kịp chui vào giường  (chỗ “ẩn khách” yêu thích), thì bố sẽ ngồi im trên ghế như bị điếc và chẳng liên quan gì đến cuộc chuyện trò của mẹ với khách.

Hiển nhiên ông từ chối đi các loại lễ tiệc. Nói chung là khoảng trong vòng hơn 10 năm theo trí nhớ của tôi thì ông không dự bất cứ đám ma đám cưới nào nữa, dù là thân thiết với gia đình đến mấy. Nơi duy nhất ông còn chịu đi là nhà người cháu họ của mẹ tôi trên quê, anh chị ấy là nông dân. Ông thích tình cảm mộc mạc chân chất và những bữa cơm được nấu từ sản vật ngoài vườn nhà, và nhất là anh chị chẳng hỏi ông cái gì ngoài câu “chú có khoẻ không?”, bố tôi gật đầu - và thế là xong tất cả hội thoại thăm hỏi của một chuyến đi. 

Nguồn: ITN

Nếu các cháu ngoại từ hai đứa trở lên cùng về một lúc, bố sẽ đóng tịt cửa phòng lại để đỡ bị phiền vì sự ồn ào của chúng nó.

Bố cũng từ chối ăn mặc theo những yêu cầu của người khác, những bộ cánh chị em tôi sắm sửa bị xếp im lìm trong tủ, bố chỉ nhất định mặc quần dệt kim cho êm và đi dép cho dễ chịu. Cách ăn mặc “càn quấy” ấy theo quan điểm của mẹ - một người quá kỹ tính và chỉnh chu về hình thức - là sự không chấp nhận được. Nên bố khoái chí dùng chiêu chỉ mặc đồ pijama để cuối cùng mẹ không buồn ép ông ra khỏi nhà hay chào khách nữa.

Bố từ chối mừng thọ hay việc chúc tụng các dịp lễ lạt. Bố năm nay đã 84 tuổi, nhưng nhà tôi không ai biết sinh nhật bố thực ra là ngày nào. 

Càng ngày tôi càng ao ước giống bố. Được kệ xác và không phải làm những gì mình không thích, bất kể người khác nhìn việc đó thế nào.

Càng ngày tôi càng ao ước sự dễ chịu của việc được "yên thân".

Càng ngày tôi càng ngại việc phải cảm ơn người khác hay phải nhận lại sự cảm ơn của người khác. Tôi không muốn nói (và nghe) điều ấy nữa, sự dễ chịu và biết ơn cả hai bên tự biết và tự hiểu. Nhưng tôi im lặng theo cách cảm kích riêng của mình, thì với người khác lại là sự tổn thương. Vì họ nghĩ rằng tôi không trọng thị những gì họ dành cho tôi.

Càng ngày tôi càng nhận ra những kỳ cuộc khách sáo là nơi người ta bơ vơ.

Càng ngày tôi càng nhiều nỗi ngại. Mà ngại lớn nhất là không đúng mình. Nhưng để đúng "là mình", như mình ao ước, như mình dễ chịu,  cách mà mình hạnh phúc - có khi phải đến lúc không còn bị vướng lụy gì nữa chuyện loay hoay sống hay chu toàn trong vòng giao đãi. Như bố tôi.

Quỳnh Hương