Di tích Đền Thác Bà có từ lâu đời, gắn với nghi thức thờ Mẫu là công chúa Minh Đạt, con gái vua Hùng Vương đời thứ 18. Ngược dòng sông Chảy, người lên khai khẩn đất đai nối dài bờ cõi, dạy dân cày cấy, phát triển nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm, khai hoang lập địa, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc cho miền sơn cước… Nhớ công ơn đó, muôn dân lập Đền thờ Mẫu mong được phù hộ làm ăn sinh sống, ngày càng phát triển.
Vùng hồ Thác Bà rộng hơn 20 nghìn ha với hơn 1.000 đảo lớn nhỏ, nơi sinh sống của hơn 10 dân tộc anh em cùng chung sống như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá... có đời sống sinh hoạt, văn hóa phong phú, đậm bản sắc dân gian. Đền Mẫu Thác Bà là nơi để đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa và đón du khách thập phương về chiêm bái nhân dịp đầu xuân và khám phá Di tích lịch sử, danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào địa bàn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh việc công nhận Đền Thác Bà là Di tích quốc gia là vinh dự lớn và niềm tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc cư trú lâu đời ở vùng sông Chảy. Đây là nguồn động lực to lớn khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung trên địa bàn huyện.