Đồng bộ chính sách để công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng

- Thứ Sáu, 07/06/2024, 10:27 - Chia sẻ

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ đã khẳng định được vai trò đầu tàu cho tăng trưởng, sản xuất công nghiệp, từ đó, phải đồng bộ chính sách để phát triển lĩnh vực này. 

Chính sách ưu đãi còn nhiều hạn chế

Tại phiên chất vấn vừa qua, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, công nghiệp phụ trợ là một hướng đi đúng đắn để tái cơ cấu và phát triển công nghiệp cũng như tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn mới; đồng thời tạo ra hệ sinh thái liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có chính sách phát triển toàn diện, bao trùm về công nghiệp hỗ trợ. 

Đồng bộ chính sách để công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng  -0
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP

Đồng quan điểm, theo ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình), Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi để đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí nhưng kết quả còn hạn chế.

Trả lời chất vấn của đại biểu về quan điểm cũng như giải pháp của Bộ Công Thương về việc triển khai chính sách đối với công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, nhận thức rõ vai trò của công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, thời gian qua Bộ đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quy định, triển khai thực hiện các giải pháp và đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí đã khẳng định được vai trò đầu tàu cho tăng trưởng, sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành dệt may, da giày đạt 50%; cơ khí đạt hơn 30%. Công nghiệp hỗ trợ từng bước nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào mạng lưới sản xuất cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới, mở rộng nhà máy và hình thành các trung tâm ở Việt Nam. Về công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, có trên 90% số máy trong nông nghiệp như máy xay xát lúa và đánh bóng gạo... đã do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng, xuất khẩu đi nhiều nước.

Theo Bộ trưởng, việc triển khai các chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế. Trong đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít lại khó tiếp cận, bị chồng chéo với nhau. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thật sự phù hợp khiến cho doanh nghiệp rất khó tiếp cận, đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách. Ngoài ra, chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa ràng buộc và khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Đồng bộ chính sách để công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng  -0
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: VGP

Để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí cần rất nhiều nguồn lực tài chính và cũng cần có trình độ công nghệ và kinh nghiệm nhất định thì mới dám bước vào lĩnh vực này. Trong khi các nước, nhất là nước phát triển đã đi trước chúng ta rất xa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận. Theo Bộ trưởng, để các doanh nghiệp có thể bước ra khỏi Việt Nam, vươn ra nước ngoài trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chế tạo là thách thức.

Sớm xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm 

Cũng tại phiên chất vấn, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu chương trình và giải pháp của bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65% nhu cầu sản xuất nội địa?

Đồng bộ chính sách để công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng  -0
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: ITN

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho dệt may; công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghệ cao. Sau 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu cần đạt được là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng, các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng đạt mục tiêu chưa cao…

“Một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu đề ra là do nguồn lực đầu tư hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế, khó tiếp cận; chính sách thu hút FDI chưa khuyến khích được sự liên kết, ràng buộc được các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí thu hút đầu tư là rất khó bởi vì vốn lớn nhưng thị trường hẹp, chúng ta lại là nước đi sau nên khả năng cạnh tranh với thị trường nước ngoài là khó khăn; phối hợp thực hiện chính sách giữa các bên chưa thật tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho thời gian tới, theo Bộ trưởng, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; tăng cường phân bổ nguồn lực từ trung ương và địa phương; bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. 

Thảo Anh
#