Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 4 đạt 391,4 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành rau quả đạt 1,4 tỷ USD; tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Úc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Malaysia.
Đáng chú ý, rau quả xuất khẩu tới Hà Lan 4 tháng đầu năm đạt 45,5 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2022; là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu nhất của Việt Nam.
Bộ Công thương nhấn mạnh, xuất khẩu rau quả tăng mạnh ở thị trường Hà Lan đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu, khi Hà Lan là quốc gia được xem là “cửa ngõ” của châu Âu (EU): 1/3 khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua nước này. Hà Lan còn được xem là điểm kết nối trọng yếu giữa các cảng, khu công nghiệp của EU và thế giới.
Đặc biệt, hiện Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến xuất khẩu vào thị trường này được cắt giảm về 0%. Cụ thể, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Hà Lan có khả năng cạnh tranh cao hơn với các đối thủ.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp, trong năm 2023, Thương vụ đặt trọng tâm vào việc xúc tiến đưa hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đạt chuẩn vào kênh phân phối lớn của Hà Lan thông qua việc kết nối trực tiếp nhà nhập khẩu với chuỗi phân phối, tổ chức hoạt động “Ngày Việt Nam”, “Tuần hàng Việt Nam” tại các siêu thị Hà Lan, hoạt động “Quảng bá nông sản Việt” tại Lễ hội đoàn ngoại giao tại The Hague…
Tuy nhiên, trong năm nay, EU sẽ tập trung sửa đổi rất nhiều quy định về hàm lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, bà Diệp lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả vào Hà Lan, EU cần thường xuyên theo dõi, kịp thời kiểm tra, giám sát hàng hóa cho phù hợp quy định của các thị trường này.