Xuất khẩu rau quả chế biến vượt 1 tỷ USD

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 07:11 - Chia sẻ
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) ĐẶNG PHÚC NGUYÊN cho biết, dịch Covid-19 khiến xuất khẩu rau quả tươi gặp nhiều khó khăn, kéo theo đó, xuất khẩu sản phẩm chế biến tăng mạnh. Năm 2021, xuất khẩu rau quả chế biến tăng 32% so với năm 2020 và chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3,52 tỷ USD của toàn ngành rau quả.

Trong nguy có cơ

- Kết quả xuất khẩu rau quả chế biến năm 2021 như thế nào, thưa ông?

- Dù chịu tác động của dịch Covid-19 song xuất khẩu rau quả vẫn giữ vững đà tăng trưởng. Xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3,52 tỷ USD của toàn ngành rau quả và tăng 32% so với năm 2020. Những thị trường xuất khẩu rau quả chế biến chính của Việt Nam  gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia… Trong đó, Việt Nam hiện là quốc gia cung cấp hàng rau quả đã qua chế biến lớn thứ 11 cho thị trường Hoa Kỳ.

- Theo ông, điều gì giúp xuất khẩu rau quả chế biến tăng mạnh trong một năm đầy khó khăn như vậy?

- Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu rau quả tươi gặp nhiều khó khăn bởi một số yếu tố tác động như dịch vụ hậu cần (logistics), kiểm dịch thực vật,… nên xuất khẩu sản phẩm chế biến tăng. Một phần lớn rau quả tươi không xuất khẩu đã được tận dụng làm nguyên liệu đưa vào các nhà máy chế biến, tháo gỡ tình trạng nguồn cung bị dư thừa, ách tắc. Các sản phẩm đã qua chế biến sâu có thể kéo dài thời hạn bảo quản nên rất dễ vận chuyển đi các thị trường ở xa, dễ dàng lưu trữ trong kho. Cùng với đó là sự phát triển của thương mại điện tử nên hàng chế biến rất thích hợp vì quá trình giao hàng cũng thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng bị hư hỏng ngoài ý muốn.

- Liệu đà tăng trưởng này có được duy trì trong năm nay không, thưa ông?

- Năm 2022 dịch bệnh có thể chưa chấm dứt, nhất là biến chủng Omicron xuất hiện sẽ gây nhiều khó khăn cho phòng, chống dịch ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, ngành chế biến rau quả vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng vì sản phẩm có ưu điểm là tiện lợi, thời gian lưu trữ và bảo quản kéo dài. Đồng thời, sản phẩm rau quả qua chế biến sẽ dễ dàng kiểm soát được giá thành; giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng cao hơn, có thể gấp 3 lần so với hàng tươi. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả chế biến tăng trưởng khoảng 35% so với năm 2021.

Xuất khẩu rau quả chế biến năm 2022 có thể tăng trưởng 35%.
Xuất khẩu rau quả chế biến năm 2022 có thể tăng trưởng 35%.

Sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu

- Bên cạnh bối cảnh thuận lợi, có thách thức nào đặt ra với ngành rau quả chế biến, thưa ông?

- Tuy có nhiều thuận lợi nhưng năm 2022 vẫn sẽ là quãng thời gian thử thách với xuất khẩu rau quả chế biến khi thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Trung Quốc có những thay đổi về quy chuẩn và phương thức nhập khẩu. Bên cạnh đó, những thị trường lớn khác như Hoa Kỳ và EU cũng liên tục có những cảnh báo kỹ thuật với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Về yếu tố khách quan thì biến chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh, điều này có thể làm gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và rau quả của Việt Nam ít nhiều sẽ phải chịu ảnh hưởng. Cùng với đó, chi phí vận chuyển vẫn tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thuê tàu chở hàng, đặc biệt là tới những thị trường xa như Hoa Kỳ, EU.

 - Ngành rau quả và Hiệp hội có kế hoạch gì để giữ vững đà tăng trưởng?

 - Hiệp hội luôn nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các thị trường, tìm kiếm thị trường phù hợp với doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các nhà máy, cơ sở chế biến, hợp tác xã để kết nối tìm đầu ra cho nông dân. Về phía các doanh nghiệp, khi đã định hướng được thị trường đích phải có vùng nguyên liệu đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đúng theo yêu cầu của thị trường đó.

Để tăng tính cạnh tranh và chủ động đầu ra, các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất theo quy định của nhà nhập khẩu, đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP; xây dựng mã số vùng trồng; hình thành các chuỗi liên kết bền vững để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đầu tư vào nông nghiệp thường thu hồi vốn chậm nên số doanh nghiệp tham gia còn khá khiêm tốn. Vì vậy rất cần sự trợ giúp của Nhà nước về vốn, các chính sách ưu đãi về thuê đất, hỗ trợ máy móc với công nghệ mới để doanh nghiệp tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến. Để hạn chế sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, có thể tăng thuế của nhóm hàng này và dùng nguồn tiền đó hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hữu cơ để giảm giá thành cho sản phẩm hữu cơ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 - Xin cảm ơn ông!

Minh Trang thực hiện