Xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 05:45 - Chia sẻ
Năm 2022, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực y tế đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm... Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cho thấy quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Đảng ta trong việc xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng.

Với đặc thù là tội phạm ẩn, các đối tượng trong các vụ án tham nhũng là những người có quyền lực, có hiểu biết pháp luật, nên việc đấu tranh, điều tra gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, với quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2021 được đẩy mạnh. Trong năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế.

Những ngày gần đây, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á đã gây bức xúc, mất niềm tin trong Nhân dân. Đây là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh, nâng khống giá kit test để trục lợi. Không chỉ giám đốc Công ty Việt Á, mà đau xót hơn, nhiều người có liên quan, trong đó có cả những người làm trong ngành y tế cũng bị khởi tố. Bất chấp dịch bệnh làm tổn hại đối với nền kinh tế, đến người dân, các đối tượng đã móc ngoặc, thông đồng với doanh nghiệp để nâng khống giá kit, có đối tượng đã hưởng lợi bất chính lên tới gần 30 tỷ đồng.

Không khó để thấy được những tác hại mà hành vi tham nhũng để lại. Tuy nhiên, để phát hiện và xử lý tham nhũng là một việc không dễ dàng nếu như không có quyết tâm thực hiện. Điều quan trọng là, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình phải làm tốt công tác kiểm tra nội bộ, kiểm soát, ngăn chặn thao túng quyền lực. Cùng với đó, làm tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Nhận định về tình hình tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hóa cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng.

Trước một số sai phạm nghiêm trọng, trong Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Cùng với đó, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. “Tập trung, khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào” - Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trọng điểm để răn đe, trong đó có vụ án thuộc lĩnh vực y tế. Chỉ khi xử lý nghiêm minh, đưa các đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực vào “lò” thì mới chặt đứt “liên kết, liên thông” tham nhũng, làm tha hóa cán bộ. 

Lê Hùng