Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Xử lý có trọng điểm, mang tính chất lan tỏa

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 17:48 - Chia sẻ
Chiều 24.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại Tổ về nội dung này và nội dung về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Kiến nghị thu hồi 23.843 tỷ đồng, 830 ha đất

Báo cáo với Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành Ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu Ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế…

Trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý tài sản công, Thủ tướng đã giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 một lần theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định; kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo với Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Ảnh: Quang Khánh

Về thanh tra, kiểm tra góp phần thực hành tiết kiệm chống lãng phí, năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất…

Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực theo quy định của Luật để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra
Ảnh: Quang Khánh

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, trong công tác này vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là tình trạng chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn xảy ra; một số báo cáo còn hình thức, đánh giá còn chung chung; một số báo cáo không cụ thể số liệu, chưa đánh giá, so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019… Tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra; việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời; chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn bất cập, Chính phủ đã chỉ ra nguyên nhân là do một số bộ, địa phương chưa tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực và chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhưng không nêu rõ bộ, địa phương nào để chấn chỉnh, khắc phục…

Ủy ban lưu ý, việc tổng hợp, xây dựng Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành để đánh giá, so sánh, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đối với từng lĩnh vực theo từng chỉ tiêu. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp thực tiễn; tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước…

Ảnh: Quang Khánh

Thay đổi cách đánh giá, đưa số liệu để có giải pháp cụ thể

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch, bệnh Covid-19 khi Chính phủ đã kịp thời ban hành một số giải pháp, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước các tác động tiêu cực của dịch, bệnh.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng), trong vấn đề lãng phí, chưa có địa chỉ cụ thể là ngành nào, lĩnh vực nào đang lãng phí, lãng phí như thế nào và số liệu thống kê, so sánh gần như chưa chỉ ra được. Ông cho rằng, nếu số liệu, địa chỉ không rõ ràng thì việc quy trách nhiệm sẽ rất khó, vì vậy cần thay đổi cách đánh giá, đưa số liệu để có giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn trong thực hành chống lãng phí.

Nhấn mạnh, lãng phí là vấn đề lớn, đang xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực như đất đai, rừng, khoáng sản… ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) đề nghị, các giải pháp xử lý cần có trọng điểm, mang tính chất lan tỏa, từ đó tạo thêm các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Ảnh: Quang Khánh

Cần giải pháp phù hợp hơn

Thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, đa số ĐBQH cho rằng, năm 2019, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu NSNN vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng, kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng còn chưa nghiêm, sai phạm ở cả 3 khâu của chu trình ngân sách chưa được khắc phục triệt để như: giao dự toán thu, chi không sát; phân bổ vốn đầu tư chậm; các khoản thu quan trọng không đạt dự toán; kê khai thiếu thuế phải nộp vẫn diễn ra; giải ngân vốn đầu tư chậm; chi sai chế độ, định mức... Bên cạnh đó, một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao như: đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại NSNN chưa bảo đảm yêu cầu... Do đó, các ĐBQH kiến nghị, Chính phủ cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.    

+ Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Nước.

Quang Khánh