Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đề nghị, cần xem xét một số giải pháp:
Một là, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hàng năm (tối thiểu trước 1 năm).
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế đặc thù hoạt động kiểm toán mang tính hậu kiểm, kết quả kiểm toán có độ trễ (thường tối thiểu là 1 năm), nên một số trường hợp khó đáp ứng yêu cầu giám sát về tính thời sự, cập nhật. Trong khi đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội kỳ vọng Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các chuyên đề để phục vụ Chương trình, Kế hoạch giám sát hàng năm. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 12 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước; do đó Kiểm toán Nhà nước không kịp đưa vào kế hoạch kiểm toán hàng năm để kịp thời tổ chức kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát, đặc biệt đối với các chuyên đề giám sát báo cáo Quốc hội kết quả giám sát tại kỳ họp đầu năm sau.
Hai là, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện (hàng năm Kiểm toán Nhà nước đều có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, danh mục các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm gửi Quốc hội). Ví dụ, kết quả kiểm toán năm 2022 đối với chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ sẽ là nguồn thông tin hữu ích phục vụ chuyên đề giám sát tối cao năm 2023 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm. Ngoài ra, đối với mỗi chuyên đề giám sát cần nghiên cứu các nội dung giám sát trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Ba là, Kiểm toán Nhà nước xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn và Kế hoạch kiểm toán hàng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Để bảo đảm bám sát với yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến Kế hoạch kiểm toán hàng năm cần được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định Kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.