Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương và Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil đồng chủ trì Hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, hội thảo được tổ chức với mong muốn cung cấp thông tin thực trạng chính sách về lâm nghiệp, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với công tác bảo vệ, phát triển rừng đối với nhóm các dân tộc thiểu số tại Việt Nam và các phương pháp tiếp cận, giải pháp xây dựng chính sách về lâm nghiệp đã được áp dụng thành công ở Canada và các nước khác. Qua đó, giúp nhận diện vấn đề còn tồn tại, khó khăn, thách thức cần tháo gỡ trong chính sách tạo sinh kế từ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp, bền vững trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, các đại biểu, các chuyên gia, nhà quản lý tham dự cùng tập trung trao đổi và làm rõ các vấn đề như, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tạo sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam; các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới (trong đó có Canada) về chính sách lâm nghiệp và sinh kế đối với các đối tượng yếu thế; các đề xuất, kiến nghị trong chính sách tạo sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 42,02% cao hơn mức bình quân chung của thế giới (31%); giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 đạt 17,29 tỷ USD. Việc duy trì, phát triển các hệ sinh thái rừng đóng góp đáng kể vào bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo nguồn thu đáng kể cho chủ rừng và giảm nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra, tình trạng vi phạm các quy định về lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, việc chặt phá, khai thác rừng, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép, cháy rừng, lấn, chiếm rừng, chống người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra. Công tác giao đất, giao rừng còn nhiều vướng mắc; chưa được bảo đảm kinh phí thực hiện giao rừng, cho thuê rừng. Hiệu quả kinh tế từ rừng chưa được tối ưu, nhiều tiềm năng của rừng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả như: nuôi trồng cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng…
Nhiều đại biểu đề nghị, tới đây cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách tạo sinh kế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nghiên cứu các mô hình tổ chức sản xuất dược liệu dưới tán rừng phù hợp cho nông hộ như: mô hình hợp tác xã lâm nghiệp (trồng rừng, dược liệu) nhằm hạn chế những điểm yếu của mô hình hộ cá thể, tạo sức mạnh trong thương thảo và cơ hội thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhận đất, nhận rừng để quản lý, bảo vệ, làm vườn rừng và sản xuất nông lâm kết hợp; ưu tiên giao đất, giao rừng và khoán rừng phòng hộ cho các cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.