Tỷ lệ sở hữu cổ phần là vấn đề trọng yếu
Ngày 5.12, Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với Câu lạc bộ Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và các thông tư, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những thay đổi lớn trong cấu trúc sở hữu và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các tập đoàn tài chính lớn, hoạt động đa ngành nghề, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, và bất động sản. Những tập đoàn này có ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, việc quản lý và điều chỉnh hoạt động của các tập đoàn tài chính vẫn còn thiếu sự đồng bộ và hoàn thiện về mặt pháp lý.
Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam là gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm 67% toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng của các tập đoàn này đạt 9,9 triệu tỷ đồng, tương đương 67,3% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân cơ cấu phức tạp hơn rất, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản.
Theo ông Hòe, mô hình chung của tập đoàn tài chính bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con. Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ; còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh. Tuy vậy, điểm hạn chế là vẫn sở hữu chéo chằng chịt và việc “tuồn vốn” cho công ty sân sau “dễ dãi” có thể gây rủi ro lan truyền trong hệ thống.
Các đại biểu cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại là vấn đề trọng yếu để bảo đảm minh bạch và tránh lũng đoạn thị trường tài chính. Song thực tế cho thấy nhiều tổ chức và cá nhân vẫn tìm cách vượt qua các giới hạn này bằng nhiều thủ thuật tinh vi, ví dụ nhờ người thân hoặc nhân viên đứng tên hộ.
Nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra
Với chủ trương loại bỏ hoàn toàn sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã siết chặt hơn tỷ lệ sở hữu cổ phần. Theo đó, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10% và tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa cổ đông và người có liên quan, từ 20% xuống 15%.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, cần cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra để Luật có thể được thực thi một cách nghiêm túc. Đặc biệt, không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.
Đề xuất giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo minh bạch và thực thi công tác quản lý, giám sát một cách đầy đủ, khách quan và trung thực. Nếu ngân hàng đứng đầu một tập đoàn tài chính, thì Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện giám sát; nếu là tập đoàn chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan giám sát chính. Ông cũng chia sẻ về mô hình giám sát của Đức, nơi mỗi ngân hàng có hai tổng giám đốc: một người chịu trách nhiệm về rủi ro, người còn lại quản lý việc vay vốn. Cả hai cùng tham gia bỏ phiếu trong hội đồng quản trị, trong đó người chịu trách nhiệm về rủi ro sẽ có quyền cao hơn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, công tác thanh tra và giám sát cần phải được cải cách một cách mạnh mẽ. Ông cho rằng các cơ quan chức năng cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn, ví dụ như việc rút giấy phép hoạt động đối với các ngân hàng vi phạm quy định về sở hữu nhiều lần. Đồng thời, trong Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có thể đưa ra quy định rằng nếu một ngân hàng tái phạm nhiều lần, ví dụ như 3 lần, sẽ phải bị thu hồi giấy phép. Ông nhấn mạnh rằng cần phải có những ngân hàng vi phạm bị xử lý mạnh mẽ để làm gương, tạo hiệu ứng răn đe cho toàn thị trường.