Xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Chọn phương án tối ưu để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất

- Thứ Bảy, 03/10/2009, 00:00 - Chia sẻ
Trên thế giới, phần lớn các nước đã sử dụng điện hạt nhân đều đưa lại hiệu quả kinh tế to lớn. Theo dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên - vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tối ưu khi xây dựng nhà máy để đảm bảo tính an toàn cao và phát huy hiệu quả cao nhất -PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KH - CN VÀ MT, PHAN XUÂN DŨNG đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo NĐBND thứ bảy.

05-lua-chon-27609-180.jpg

PV: Trước thực tế nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng khan hiếm, nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Ở Việt Nam vấn đề này đã được tiến hành như thế nào, thưa Ông ?

PCN Phan Xuân Dũng: Hiện nay, nhiều nước phát triển đã chú trọng sử dụng và phát triển điện nguyên tử, coi ĐHNNT là giải pháp chủ yếu bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia mình. Ngay những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn của thế giới  như Ảrập, các nước vùng Vịnh như Yemen, Libi,... thời gian gần đây cũng đã bắt đầu chú ý đến phát triển nhà máy ĐHNNT. Tính đến tháng 5.2008 trên thế giới có 439 lò phản ứng hạt nhân năng lượng đang được vận hành tại 31 nước và lãnh thổ. Và hiện nay có khoảng thêm 30 nước đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Ở nước ta, theo báo cáo của Bộ Công Thương tổng sản lượng điện có thể cung cấp từ các nguồn than, khí đốt, thủy điện và năng lượng còn thiếu tới 23,8 tỷ kWh vào năm 2015; 104,1 tỷ kWh vào năm 2020 và 375 tỷ kWh vào năm 2030. Do đó, việc phát triển ĐHNNT là một giải pháp cần thiết. Theo đó, Việt Nam sẽ tăng dần tỷ trọng điện hạt nhân lên 7-8% vào năm 2015- 2030 và phấn đấu đến 2050 tăng tỷ lệ điện hạt nhân lên 15-20% tổng sản lượng điện quốc gia để đảm bảo  nhu cầu năng lượng quốc gia. Hiện nay, Ninh Thuận là nơi đang được dự kiến chọn là địa điểm đầu tiên để xây dựng nhà máy ĐHNNT của nước ta.

 PV: Thưa Ông lý do để chọn Ninh Thuận là địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta ?

PCN Phan Xuân Dũng: Theo báo cáo bước đầu của Bộ Công Thương cho biết, Ninh Thuận đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí cần và đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Đó là có kiến tạo địa chất tốt, đất đai  không thích hợp để phát triển nông nghiệp, phân bố dân cư thưa nên huy động giải phóng mặt bằng, đất đai để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuận lợi... Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đáp ứng các điều kiện an toàn khác như ít xảy ra động đất, núi lửa, nguồn nước để làm mát của Ninh Thuận cũng khá dồi dào. Do vậy, Ninh Thuận được dự kiến chọn là địa điểm đầu tiên để xây dựng nhà máy ĐHNNT của nước ta là hợp lý.

PV: Phát triển dự án ĐHNNT thì vấn đề được quan tâm hàng đầu là phải đảm bảo an toàn của công trình. Vậy các yêu cầu và biện pháp đã được đưa ra ở đây, thưa Ông ?  

PCN Phan Xuân Dũng: Theo báo cáo của của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ năm 1991 đến 2006, toàn thế giới có 98 sự cố hạt ở nhà máy ĐHNNT. Trong đó, theo thang 7 mức để thông báo thì sự cố mới ở mức dấu hiệu là 88, sự cố hỏng hóc nhỏ, không gây ảnh hưởng gì là 8, sự cố ở mức có tai nạn không gây nguy hiểm ở những nơi xa cơ sở hạt nhân là 0, sự cố ở mức có tai nạn gây nguy hiểm ở những nơi xa cơ sở hạt nhân là 1, sự cố ở mức có tai nạn nghiêm trọng là 0, sự cố ở mức có tai nạn rất nghiêm trọng là 1 - sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, tháng 1.1986.

Như vậy, theo thống kê trên, thì sự cố nhà máy ĐHNNT có nhưng rất ít. Tuy nhiên, vấn đề an toàn công trình nhà máy ĐHNNT có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phải được đặt ra hàng đầu. Vì vậy, để bảo đảm an toàn hạt nhân, trong tất cả các công đoạn xây dựng nhà máy ĐHNNT, vấn đề an toàn đều phải được phân tích, đánh giá, thẩm định một cách nghiêm ngặt, khoa học, khách quan bởi cơ quan chuyên môn độc lập về an toàn hạt nhân với đầy đủ các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại; đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ cao và nguồn tài chính cần thiết; khi thiết kế xây dựng nhà máy ĐHNNT, bằng mọi cách phải loại trừ khả năng sự cố có thể xảy ra; nghiên cứu đầy đủ các vấn đề an toàn của công trình, đặc biệt là trong thiết kế kỹ thuật và thi công - vận hành; phải có các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả khi có sự cố bất khả kháng; xây dựng tiêu chuẩn an toàn cho hệ thống công trình để làm căn cứ ra quyết định và để quản lý công trình sau này.

PV: Vậy yêu cầu  đặt ra ở đây khi lựa chọn công nghệ để xây dựng nhà máy ĐHNNT, thưa Ông?

PCN Phan Xuân Dũng: Công nghệ lò phản ứng hạt nhân theo phân loại khác nhau có, nhưng về cơ bản hiện có 8 loại công nghệ lò đang được sử dụng cho nhà máy ĐHNNT. Tuy nhiên, chỉ có 3 loại công nghệ được công nhận là những công nghệ đã được kiểm chứng và chiếm tỷ trọng lớn: Lò nước áp lực PWR chiếm khoảng 60%, lò nước sôi BWR là khoảng 20% và lò nước nặng Candu khoảng 10%. Lò nước nhẹ công suất lớn, bao gồm cả nước áp lực và lò nước sôi vẫn là xu hướng phát triển của thế giới từ nay tới những năm 2030, khi mà những thiết kế thế hệ lò mới (thế hệ IV) chưa chứng tỏ được khả năng thay thế của mình.

 Để phù hợp với xu thế phát triển công nghệ hạt nhân thế giới và đảm bảo tính an toàn cao và phát huy hiệu quả cao nhất, chúng ta cần cân nhắc, nghiên cứu, tính toán thật kỹ lưỡng để lựa chọn công nghệ và nhà chế tạo, cung cấp thiết bị. Nhưng theo tôi, dù sao cũng phải chọn công nghệ tiên tiến hiện đại mà các nước đang lựa chọn, phải đặt hàng ở những nhà chế tạo, nhà cung cấp thiết bị có nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

PV: Xin cám ơn Ông !

TRẦN HIẾU thực hiện