Xấu là gì?

- Thứ Năm, 13/12/2007, 00:00 - Chia sẻ
Umberto Eco, sinh năm 1932, là nhà văn, nhà ký hiệu học, nhà tư tưởng nổi tiếng người Italy. Năm 2004 ông đã xuất bản cuốn Lịch sử cái đẹp và nay đang chuẩn bị cho ra mắt Lịch sử cái xấu mà bài viết này, cũng như các minh họa được rút ra từ đó.

      Mỗi thế kỷ, các nghệ sĩ và triết gia lại cung cấp thêm những định nghĩa về cái đẹp, và nhờ các tác phẩm của họ, ta có thể tái dựng một lịch sử về các quan niệm thẩm mỹ qua thời gian. Nhưng điều đó không xảy ra với cái xấu. Xấu luôn được định nghĩa như sự đối lập với đẹp và dường như chưa có ai từng cống hiến một chuyên luận có độ dài bất kỳ về nó. Do vậy, lịch sử của cái xấu chắc chắn chia sẻ một vài đặc điểm chung với lịch sử về cái đẹp. Và chúng ta giả định rằng gu thẩm mỹ của người bình thường, về mặt nào đó, tương đương với gu của các nghệ sĩ thời kỳ ấy.
      Nếu một người khách ngoài trái đất bước vào một gallery mỹ thuật đương đại, nhìn thấy các khuôn mặt phụ nữ do Picasso vẽ và nghe những người xung quanh thốt lên “đẹp”, có lẽ anh ta sẽ lĩnh hội được một quan niệm sai lầm rằng trong cuộc sống hằng ngày, những người đàn ông thời nay coi phụ nữ với những khuôn mặt như Picasso vẽ là đẹp và đáng ao ước. Tuy nhiên vị khách của chúng ta có thể thay đổi quan niệm này khi xem các buổi trình diễn thời trang hay cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ mà ở đó anh ta sẽ chứng kiến sự tôn vinh những hình thức khác của cái đẹp.
      Đáng tiếc rằng, khi trở lại quá khứ - để tìm đến cái đẹp hoặc xấu - ta không có cơ hội như thế bởi tất cả những gì mà thời đó để lại là các tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta không có những văn bản lý thuyết xác nhận rằng liệu các tác phẩm đó được sáng tác nhằm đem lại niềm vui thẩm mỹ, sự sợ hãi thiêng liêng hay chỉ giải trí.  
      Đối với một người phương Tây, chiếc mặt nạ tế lễ châu Phi dường như có thể khiến họ dựng tóc gáy, nhưng với một người bản xứ, nó lại đại diện cho một vị thần nhân từ. Ngược lại, những tín đồ không ở châu Âu có thể phẫn nộ với hình ảnh chúa Jesus đau đớn, rớm máu và bị xúc phạm mặc dù thân thể trông xấu xí này lại dấy lên lòng thương và tình cảm của một người Thiên chúa.

      Thời Trung cổ, Jacques de Vitry, khi ca ngợi vẻ đẹp của tất cả các tác phẩm thiêng liêng này đã thừa nhận rằng “có lẽ người Cyclop, những quái vật một mắt (trong thần thoại Hy Lạp), sẽ ngạc nhiên với những ai có hai mắt cũng như chúng ta sẽ sửng sốt khi thấy họ hoặc các sinh vật ba mắt”. Nhiều thế kỷ sau, điều này cũng được Voltaire lặp lại (trong tác phẩm Từ điển triết học của ông): “Hãy hỏi một con cóc xem đẹp là gì, vẻ đẹp thật sự… Nó sẽ nói với bạn rằng cái đẹp chính là người bạn đời của nó, với hai con mắt tròn long lanh lồi ra từ cái đầu nhỏ, cái cổ họng thẳng đuột to đùng, cái bụng màu vàng và cái lưng màu nâu… Hãy hỏi một con quỷ. Nó sẽ nói với bạn rằng đẹp là một cặp sừng, bốn cái chân có vuốt và một cái đuôi”.
      Song những quy chuẩn của đẹp hay xấu thường không hàm ơn những tiêu chuẩn thẩm mỹ mà lại mắc nợ các tiêu chuẩn chính trị xã hội. Trong một đoạn viết, Karl Marx từng chỉ ra tiền có thể bù đắp lại cho xấu như thế nào: “Vì tiền có đặc tính là có thể mua được bất cứ thứ gì, có thể sở hữu mọi vật, nên nó là thứ giá trị nhất… Phạm vi quyền lực của tôi lớn như quyền lực của lượng tiền mà tôi sở hữu… Do đó, tôi là ai và tôi có thể làm gì không mảy may bị cá tính tôi quyết định. Tôi xấu, nhưng tôi có thể mua cho mình những người phụ nữ đẹp nhất. Vì thế tôi không xấu, khi tác động của cái xấu, khả năng gây chán chường, bị tiền tiêu hủy”.
      Vậy liệu cái xấu có thể tiếp tục được định nghĩa một cách đơn giản như là sự đối lập của cái đẹp? Liệu lịch sử về cái xấu có thể được xem như phần tương phản của lịch sử về cái đẹp?
      Cho nên chúng ta phải thận trọng khi xem xét lịch sử cái xấu. Chúng ta cũng cần cân nhắc liệu các mụ phù thủy đúng đắn ra sao, nếu quả thật bọn họ đúng – khi, trong hồi đầu tiên của vở Macbeth, họ gào lên: “Cái tốt thì xấu và cái xấu thì tốt”.

Umberto Eco
Đăng Ngọc
lược dịch
Theo Thời báo Los Angeles