Hải quan góp ý Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Xác định rõ phạm vi, đối tượng

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 09:11 - Chia sẻ
Để thực hiện mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi thương mại nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, cơ quan hải quan đã áp dụng rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phân luồng tờ khai xanh, đỏ, vàng theo thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, tại Văn bản 7059/TCHQ-ĐTCBL về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Tổng cục Hải quan vẫn còn băn khoăn về một số quy định về nhiệm vụ của biên phòng đối với việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Tránh phát sinh thủ tục

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, một mặt để tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy, vũ khí. Thực tế, lực lượng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan, của các lực lượng khác như quản lý thị trường, công an... và thực tiễn các vi phạm lợi dụng phân luồng tờ khai đã được phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm (bao gồm xử lý hình sự) theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Công ước Quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1999 mà Việt Nam là thành viên, quy định: “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra hải quan”. Thực tiễn tất cả các nước trên thế giới thì cơ quan hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Song, theo Tổng cục Hải quan, tại Khoản 5 Điều 13 về nhiệm vụ của biên phòng của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới”; Khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật “Áp dụng các hình thức... kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”, quy định nhiệm vụ của bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới nhưng chưa có giới hạn về phạm vi, đối tượng kiểm soát, dễ dẫn tới cách hiểu là kiểm soát toàn bộ hoạt động qua lại biên giới, trong đó, bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh.

Lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra hàng hóa qua hệ thống máy soi chiếu  

Nguồn: ITN 

Kiểm soát, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm

Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, việc chưa rõ ràng phạm vi sẽ dễ dẫn tới 2 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 1 phương tiện xuất nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu; dễ phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, phát sinh chi phí, phát sinh trường hợp cơ quan hải quan đã cho phép thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh nhưng biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan.

“Việc quy định chưa rõ ràng dễ dẫn đến tất cả lực lượng tại cửa khẩu cùng thực hiện chức năng, kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện và người xuất nhập cảnh. Đồng thời, cũng khó xác định được cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước trong trường hợp phát sinh, bỏ lọt đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại” - Tổng cục Hải quan băn khoăn.

Tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) phân tích: Phạm vi, mục đích kiểm tra, kiểm soát phương tiện của bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan là khác nhau, bộ đội biên phòng chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu và theo quy định pháp luật. Về mục đích, bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để bảo đảm về mặt an ninh đối với hàng hóa, thủ tục giấy tờ đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện xuất nhập cảnh và các phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Luật Hải quan năm 2014 quy định, lực lượng hải quan có quyền kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu các loại hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế trong xuất, nhập khẩu.

Tại phiên thảo luận, cũng có ĐBQH kiến nghị sửa đổi Khoản 5, Điều 13 thành “kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Để bảo đảm rõ ràng nhiệm vụ của biên phòng, Tổng cục Hải quan kiến nghị, sửa đổi Khoản 5 Điều 13 dự án Luật thành “kiểm soát người xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật; kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới, ngoài địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật”; sửa đổi Khoản 3 Điều 14 dự án Luật quy định quyền hạn của bộ đội biên phòng thành “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, ngoài địa bàn hoạt động hải quan”.

Thảo Mộc