Tiếp tục Phiên họp thứ 26, chiều 18.9, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).
Có nên quy định nội hàm quyền tư pháp?
Theo Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày, dự thảo Luật đã kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định nội hàm quyền tư pháp (Điều 2), nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra là “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”; “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”.
Theo đó, “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về việc quy định nội hàm quyền tư pháp, Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp là cần thiết, nhưng đây là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Nghị quyết số 27 chỉ yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, mà không yêu cầu làm rõ nội hàm quyền tư pháp. Luật Tổ chức Quốc hội không quy định nội hàm quyền lập hiến, quyền lập pháp; Luật Tổ chức Chính phủ cũng không quy định nội hàm quyền hành pháp.
Cho đến nay, nội hàm quyền tư pháp vẫn chưa có sự thống nhất, quan niệm còn khác nhau. Theo Nghị quyết số 27: “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”. Vì vậy, chưa nên quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, mà chỉ nên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.
Loại ý kiến thứ hai tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án. Tuy Tòa án nhân dân được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 102); Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, nhưng đến nay nội hàm quyền tư pháp vẫn chưa được hiểu thống nhất và chưa được quy định đầy đủ trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật có liên quan.
Do đó, việc quy định rõ nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật để thể chế hóa Nghị quyết 27, cụ thể hóa Hiến pháp 2013; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành. Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định thuộc nội hàm quyền tư pháp do Tòa án thực hiện.
Bám sát tinh thần Nghị quyết của Trung ương
Cho rằng cần thiết quy định nội hàm quyền tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, lần đầu tiên khái niệm quyền tư pháp được quy định trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, trong đó quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, nội hàm của quyền tư pháp như thế nào, đến nay chưa có quy định trong văn kiện của Đảng, chưa được cụ thể trong các văn bản luật; Quá trình xây dựng Nghị quyết 27 có bàn đến vấn đề nội hàm của quyền tư pháp, nhưng chưa quy định.
"Đây là vấn đề lớn và rất quan trọng, nội hàm quyền tư pháp không chỉ liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân, mà còn đặt trong tổng thể hoạt động của các cơ quan tư pháp, rộng hơn là các cơ quan trong hệ thống chính trị”.
Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, hiện nay, các cơ quan nhà nước thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ chưa có quy định cụ thể về nội hàm của quyền lập hiến, lập pháp, quyền hành pháp. Nếu quy định được nội hàm quyền tư pháp trong dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) cũng là một bước tiến. Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, lập luận rõ, đầy đủ, có lý lẽ thuyết phục để báo cáo Quốc hội vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi xây dựng Nghị quyết 27 đã không xác định nội hàm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Bởi lẽ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
"Chúng ta không rành mạch theo cơ chế tam quyền phân lập. Vì thế Luật Tổ chức Quốc hội không quy định thế nào là quyền lập pháp, Luật Tổ chức Chính phủ không quy định thế nào là quyền hành pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân không quy định thế nào là quyền tư pháp. Do vậy, cần hết sức cân nhắc", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề: nếu đưa nội hàm của quyền tư pháp vào dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), thì có cần sửa Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ để xác lập thế nào là quyền lập pháp, quyền hành pháp hay không? Và cơ sở khoa học, chính trị, căn cứ pháp lý để xác lập quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như thế nào?
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp rà soát tính liên thông, đồng bộ với các luật trong hệ thống pháp luật. Phạm vi của dự án Luật cần bám sát Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết 27 và Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, phát triển, tiến hành khẩn trương, nhất quán, có trọng tâm và lộ trình bước đi, vững chắc.
"Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện, những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thí điểm khi cơ quan thẩm quyền cho phép. Những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.