Vượt khó, tìm cơ hội

- Thứ Ba, 28/12/2021, 06:37 - Chia sẻ
Năm 2021, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngành du lịch Quảng Bình cũng phải chịu những ảnh hưởng, thiệt hại lớn; tuy nhiên với sự nỗ lực vượt khó, du lịch Quảng Bình cũng đạt được những thành quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề “cất cánh” vào năm 2022.

Thay đổi cách tiếp cận thị trường

Năm 2021, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình triển khai 10 sản phẩm du lịch mới. Quảng Bình là một trong những địa phương thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đối với du lịch sớm, đúng quy định và “mở cửa nhất” nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng.

Theo Sở Du lịch Quảng Bình, năm 2021, công tác chuyển đổi số được triển khai có hiệu quả, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số được thực hiện với nội dung phong phú, đa dạng. Qua đó duy trì được sự kết nối, cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục với các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tạp chí, diễn đàn du lịch uy tín trên thế giới đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn, đáng trải nghiệm hàng đầu tại Việt Nam.

Trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các đơn vị hoạt động du lịch đã tập trung chuyển đổi sang thị trường nội địa, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ phù hợp với thị hiếu của du khách.

Đáng chú ý đó là công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính được triển khai hiệu quả, kịp thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh, phát triển du lịch ổn định, bền vững. Tình hình an ninh, văn hóa cơ bản được bảo đảm. Quảng Bình đang chuyển mình theo hướng tích cực, là điểm đến hấp dẫn của du khách và địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư.

Nét đẹp kì vĩ của nhũ đá bên trong động Thiên Đường - phong Nha Kẻ Bàng

Thời gian “vàng” để khắc phục hạn chế

Tuy nhiên, ngành du lịch Quảng Bình cũng nhìn nhận một số hạn chế để có hướng khắc phục. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân trên các tuyến đường, bãi đỗ xe du lịch tại TP. Đồng Hới, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách.

Đội ngũ nhân lực của địa phương còn thiếu lực lượng có chuyên môn, tay nghề cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên ngành còn thấp và cơ cấu chưa hợp lý. Lĩnh vực kinh doanh lữ hành cũng còn yếu, kinh nghiệm chưa nhiều, chưa năng động và chưa có sự đầu tư chuyên sâu, bài bản cho công tác kinh doanh lữ hành, do vậy, hiệu quả mang lại chưa cao.

Một góc Thác mơ ở Minh Hóa - Quảng Bình

Ngoài ra, công tác hướng dẫn, phục vụ, vệ sinh môi trường tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách chưa tốt. Tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách vẫn diễn ra nhỏ lẻ; việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng gian lận trong buôn bán. Đặc biệt tại các nhà hàng, quán ăn không đạt chuẩn phục vụ du khách ở khu vực Phong Nha, TP. Đồng Hới và các cơ sở bán hải sản, đặc sản…

Một điểm yếu nữa là công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch mặc dù đã có bước chuyển biến tích cực, nhưng các đơn vị chưa có sự đầu tư mạnh mẽ để có sự phát triển đột phá trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh giữa các địa phương, vùng du lịch ngày càng lớn. Nguồn lực đầu tư cũng cản trở không nhỏ cho sự phát triển du lịch địa phương.

Trường Sơn