Nói “không” với rác thải nhựa
Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên, sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đất và nước, bởi chúng lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn, làm cho đất bạc màu, từ đó khiến cây trồng chậm tăng trưởng. Do đó, từ năm 2012, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã phát động hạn chế sử dụng túi nilon khi vào vườn cũng như kêu gọi du khách sử dụng túi giấy để bảo vệ môi trường.
Khi mới triển khai, nhân viên trong vườn cùng nhau làm túi giấy phát miễn phí cho khách. Sau một thời gian, vườn đổi lại loại túi thân thiện có thể tái sử dụng nhiều lần, chất lượng tốt hơn.
Trưởng Phòng Tổ chức hành chính VQG Cát Tiên Nguyễn Tú Phiệt cho hay: "Việc sử dụng túi nilon khi vào vườn giờ đã trở thành thói quen, thành quy định. Đặc biệt, đối với khách lưu trú tại VQG sẽ không được phục vụ các loại túi nhựa, các món ăn được chế biến từ thịt rừng. Đây là quy định nghiêm cấm tại VQG. Khách du lịch không tuân thủ sẽ bị từ chối phục vụ".
Điều có thể dễ dàng nhận thấy ở VQG Cát Tiên là những thông điệp bảo vệ môi trường được đặt khắp nơi trong khu vực văn phòng cũng như những điểm khai thác du lịch. Hầu hết các lối đi trong vườn đều có những thông điệp xanh về bảo vệ môi trường như: tiết giảm, tái sử dụng, tái chế; thách thức không sử dụng nhựa dùng một lần; bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống… Phía trước khu vực đón khách, Ban Quản lý VQG còn đặt những tấm bảng tuyên truyền về tác hại của túi nilon và đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường.
Anh Nguyễn Quang Tuấn (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh rất ủng hộ chủ trương không mang theo túi nilon vào vườn. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi nilon khi thải ra môi trường, từ đó thay đổi dần thói quen sử dụng túi nilon.
Chọn VQG Cát Tiên là điểm du lịch, nghỉ dưỡng vào kỳ nghỉ năm nay, bà Trần Thị Châu (ngụ Hà Nội) cho biết, những điều thú vị của rừng đã giúp gia đình có cảm giác thoải mái, thư giãn hơn. Trong đó, ấn tượng để lại sâu sắc nhất chính là cảnh quan môi trường du lịch tại đây hầu như được giữ một cách tự nhiên nhất, những điểm tham quan dù trong rừng sâu vẫn không có một mẩu rác nhỏ.
Không lơ là, buông lỏng
Việc giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ở VQG Cát Tiên là rất quan trọng, không chỉ đối với môi trường mà còn với cả đời sống của người dân. Bên cạnh việc nói không với túi nilon, rách thải nhựa, VQG Cát Tiên cũng để lại nhiều ấn tượng tốt với du khách khi thực hiện mô hình du lịch xanh, tiếp cận rừng với các giải pháp như đi bộ, đạp xe hoặc xe điện chuyên dụng… để tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng.
Hiện, VQG Cát Tiên đang khai thác 20 tuyến du lịch, trong đó có nhiều tour đặc sắc, thu hút khá đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đăng ký tham gia như: tour tham quan, khám phá Bàu Sấu; tour đạp xe khám phá rừng bằng lăng, thác trời và các cây cổ hàng trăm năm… Vườn cũng có đơn vị chuyên quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật rừng; nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, môi trường; tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái.
Theo đại diện Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Cát Tiên, khi hướng dẫn du khách tham quan tại vườn, các hướng dẫn viên du lịch ngoài hướng dẫn, giới thiệu những đặc điểm đa dạng sinh thái rừng thì còn truyền tải thông điệp du lịch không rác thải, quy định của vườn về giữ gìn môi trường, không ghi, khắc chữ lên cây...
Có thể thấy, chính từ những thông điệp rõ ràng, những việc làm và hành động thiết thực, du lịch không túi nilon, du lịch xanh đã trở thành thương hiệu VQG Cát Tiên. Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Cát Tiên Nguyễn Đình Quốc Việt nhấn mạnh, đây là những kết quả đáng ghi nhận, song không vì thế mà VQG Cát Tiên lơ là, buông lỏng.
Thời gian tới, Ban quản lý VQG Cát Tiên sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để các cán bộ nhân viên, người dân, du khách… khi đến với VQG Cát Tiên đều nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm với việc bảo tồn và phát huy các giá trị cơ bản, cũng như đưa VQG Cát Tiên trở thành viên ngọc xanh, có tầm ảnh hưởng không chỉ về môi trường mà còn về cuộc sống của cộng đồng trong khu vực.