Vốn đầu tư công cần làm tốt hơn nữa "vai trò kích thích" nền kinh tế

- Thứ Hai, 30/11/2020, 23:09 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng vốn đầu tư công thực hiện tháng 11 ước đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 11 tháng, vốn đầu tư công thực hiện đạt 406.800 tỷ đồng, tăng 34% và bằng 79,3% kế hoạch năm. Về tiến độ, kết quả này nếu so với 11 tháng của năm 2019 là tương đương nhưng về tốc độ tăng lại cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020...

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10, có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 70%. Có 18 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương giải ngân chỉ đạt dưới 45%; 8 bộ, cơ quan và 1 địa phương giải ngân dưới 20%.

Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31.10, ước thanh toán vốn đầu tư công trong 10 tháng đạt hơn 321.500 tỷ đồng, bằng 68,3% kế hoạch. So với năm trước, tiến độ giải ngân tính trên kế hoạch cao hơn khoảng 14%. Riêng với giao thông, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến cuối tháng 10 đã giải ngân được hơn 7.300 tỷ đồng, đạt gần 78%. Các dự án hạ tầng giao thông thành phần khác giải ngân đạt 75 - 84%. Dù vậy, các dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giải ngân lũy kế đến cuối tháng 10 mới chỉ đạt 20% kế hoạch và kế hoạch vốn năm 2020 mới giải ngân được 224 triệu đồng...

Hiếm có năm nào như năm nay, khi chỉ trong vòng vài tháng, Chính phủ đã phải tổ chức tới 3 hội nghị, thành lập đoàn công tác kiểm tra đồng thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đã có nhiều khó khăn, vướng mắc được nêu ra để lý giải cho việc giải ngân chậm. Vậy nhưng tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra hồi trung tuần tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn rằng, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương là rất lớn, phải tập trung giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng trong năm nay. Không thể có chuyện mỗi khi Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương thì đều xin vốn, nhưng có vốn rồi lại không làm đến nơi đến chốn. Mục đích tổ chức hội nghị này nhằm tìm ra nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn kém cỏi, đâu là nguyên ngân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan? Phải tìm ra nguyên nhân chủ quan là chính, chứ không phải đổ cho khách quan. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để giải ngân chậm; là tại sao cùng cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân thấp, có địa phương giải ngân tốt? Tiếp đó là sau khi chỉ ra các nguyên nhân khiến giải ngân chậm, Chính phủ sẽ quyết định các giải pháp khả thi để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cần nhắc lại rằng, ngay từ đầu năm, khi những dự báo kinh tế có thể chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid - 19, đầu tư công đã được coi giải pháp tích cực thay thế cho các trụ cột tăng trưởng và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế. Vậy nhưng thực tế nguồn vốn này vẫn bị "tắc" khá nghiêm trọng, cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt vào cuộc. Cho đến nay, có thể 3 "đọng" mà Thủ tướng nêu ra hồi giữa tháng 7 là đọng vốn, nợ đọng và thủ tục đọng đã được giải quyết, thế nhưng không vì thế mà có thể "yên tâm" về giải ngân vốn đầu tư công. Điều cần thiết là phải "giữ vững tinh thần để nguồn vốn này phát huy vai trò kích thích nền kinh tế.

Khương Ninh