Theo đó, vào năm 2022, Vietravel Airlines đã có đề xuất xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Trong đề xuất của hãng bay này, Vietravel Airlines đề nghị được nâng tổng vốn đầu tư từ 700 tỷ đồng lên 8.250 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Trong văn bản phản hồi tới Vietravel Airlines, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải trình làm rõ căn cứ, cơ sở xác định tổng vốn đầu tư điều chỉnh dự án.
Điển hình là nội dung số liệu về tổng vốn đầu tư điều chỉnh dự án đang có sự sai khác giữa các văn bản đề nghị điều chỉnh dự án (8.250 tỷ đồng) và đề xuất dự án đầu tư điều chỉnh (7.700 tỷ đồng). Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị nhà đầu tư rà soát, chuẩn xác lại số liệu tại các tài liệu trong hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về phương án huy động vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số liệu về tổng vốn đầu tư điều chỉnh và tổng các nguồn vốn tại các tài liệu của nhà đầu tư cũng đang có sự sai khác khá lớn.
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính năm 2021, tại bảng cân đối kế toán ngày 31.12.2021, vốn góp của chủ sở hữu là 861,6 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 438,3 tỷ đồng).
Còn theo báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc vào ngày 30.6.2022, vốn chủ sở hữu là 594,3 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 705,6 tỷ đồng); nguồn vốn dài hạn nhà đầu tư có thể sử dụng là âm 192,015 tỷ đồng.
Căn cứ các báo cáo tài chính nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc nhà đầu tư dự kiến huy động thêm 700 tỷ đồng vốn góp để thực hiện dự án điều chỉnh là không khả thi.
Về vốn vay của các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư dự kiến huy động khoảng 4.738,21 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hồ sơ dự án không có văn bản cam kết từ các tổ chức tín dụng, không nêu cụ thể huy động từ tổ chức tín dụng nào. Do vậy, chưa có cơ sở đánh giá tính khả thi của phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho dự án.
Bộ Tài chính cho biết, theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư vào tháng 10.2022 của nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án điều chỉnh là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư và được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2021 - 2025 là 7.640 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư năm 2020 là 700 tỷ đồng; năm 2021 là 1.300 tỷ đồng và năm 2025 là 2.000 tỷ đồng. Còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Giai đoạn 2026 - 2030 là 8.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.
Bộ Tài chính đánh giá tổng vốn đầu tư cả 2 giai đoạn theo báo cáo là 15.890 tỷ đồng là chưa thống nhất so với tổng số vốn đề xuất là 8.250 tỷ đồng. Đồng thời, theo báo cáo nhà đầu tư đã hoàn tất việc góp vốn 2.000 tỷ đồng (năm 2020 là 700 tỷ đồng, năm 2021 là 1.300 tỷ đồng), vượt tổng vốn đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3.4.2020.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, vốn góp của nhà đầu tư là chưa đảm bảo, đồng thời hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư đang không hiệu quả nên phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư là không có cơ sở.
Hiện nay, Vietravel Airlines đang sở hữu 3 tàu bay A321CEO mới với tuổi trung bình dưới 6 năm tuổi. Đây là loại tàu bay có khả năng chuyên chở tối đa 220 hành khách với độ an toàn cao và tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.
Vietravel Airlines tiết lộ sẽ mua tàu bay thứ 5 và đưa vào khai thác trong giai đoạn giữa tháng 8.2023, đồng thời tăng số lượng tàu bay lên 6 chiếc trong năm nay.