Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Iraq: Phủ rộng lĩnh vực hợp tác

- Thứ Tư, 24/04/2024, 07:42 - Chia sẻ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến công du cấp Nhà nước đầu tiên đến Iraq kể từ năm 2011. Nhân dịp này, hai bên đã ký kết thỏa thuận khung chiến lược nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế giữa hai nước, cũng như sẽ thành lập các ủy ban chung thường trực để giám sát quá trình hợp tác.

Trong chuyến thăm đến Iraq của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã ký hơn 20 biên bản ghi nhớ (MoU) về mọi lĩnh vực, từ hợp tác văn hóa và nông nghiệp đến giáo dục và y tế, bao gồm cả thỏa thuận khởi động dự án Con đường Phát triển. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani khẳng định việc ký kết thỏa thuận khung chiến lược là lộ trình cho sự hợp tác chiến lược và bền vững trên mọi lĩnh vực giữa hai nước.

Giải quyết cuộc khủng hoảng nước ở Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đã ký một thỏa thuận 10 năm về hợp tác nước, phát triển cách tiếp cận chung vì lợi ích của cả hai bên trong các dự án cơ sở hạ tầng quản lý nước và thủy lợi, bảo đảm Iraq được chia sẻ công bằng nguồn nước chảy vào hai con sông chính là Tigris và Euphrates.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo sau khi ký  tuyên bố chung, ngày 22.4.2024  	 Nguồn: AFP
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo sau khi ký tuyên bố chung, ngày 22.4.2024. Nguồn: AFP

Người phát ngôn của chính phủ Iraq Basem al-Awadi cho biết, với thỏa thuận chiến lược về nước đã được ký kết, cùng với việc thực hiện một dự án lớn với sự giúp đỡ của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ trị giá hàng tỷ đô la, sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nước ở Iraq. Thêm vào đó, một quỹ chung giữa Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thành lập, trong đó Iraq sẽ gửi tiền bán dầu để chi cho các dự án như đập, kênh đào, phát điện và trạm bơm.

Trong quá khứ, hai bên đã nhiều lần đàm phán về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận nào. Vào tháng 3.2023, Thủ tướng Shia al-Sudani đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách tăng cường xả nước và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý tăng gấp đôi lượng nước xả vào sông Tigris trong một tháng. Mực nước ở các sông Euphrates và Tigris thuộc sở hữu của Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Trước đó, một báo cáo của Bộ Tài nguyên Nước dự đoán rằng, nếu các nước có hành động khẩn cấp để chống lại mực nước suy giảm, hai con sông sẽ khô cạn vào năm 2040.

Thực hiện dự án đường sắt và đường bộ

Một điểm nổi bật khác trong chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là việc ký kết một bản ghi nhớ về dự án “Con đường phát triển” giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq cũng như đại diện của Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE).

Qatar và UAE nổi bật là hai nhà tài trợ tiềm năng cho tuyến đường giao thông ước tính trị giá gần 20 tỷ USD, trải dài 1.275km (792 dặm) từ miền nam Iraq đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm mục đích kết nối Vịnh Ba Tư với Thổ Nhĩ Kỳ, nâng cao đáng kể lập trường địa chính trị cũng như tạo ra lợi ích kinh tế cho Iraq. Khi hoàn thành, dự án cũng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa châu Á và châu Âu. Thủ tướng Iraq coi dự án này là “dòng sông kinh tế kết nối phương Đông và phương Tây”.

Dự án này được mong đợi sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng. Trong quý đầu tiên của năm 2024, Iraq là nước nhập khẩu sản phẩm lớn thứ năm của Thổ Nhĩ Kỳ, mua thực phẩm, hóa chất, kim loại và các sản phẩm khác.

Người phát ngôn của Bộ Giao thông vận tải Iraq Maytham al-Safi tiết lộ, giai đoạn thiết kế ban đầu của dự án này đang được tiến hành, khía cạnh đường sắt đã hoàn thành 66% và đường cao tốc hoàn thành 55%. Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền người Kurd (KRG) đối với dự án này vẫn chưa chắc chắn, do nó được thiết kế để đi vòng qua lãnh thổ Khu vực người Kurd, ngoại trừ một đoạn ngắn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối phó với những thách thức về an ninh

An ninh khu vực là một chủ đề nóng cũng được đề cập trong cuộc gặp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq. Trong nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động từ hàng chục căn cứ quân sự ở miền bắc Iraq để chống lại đảng Công nhân người Kurd (PKK). Các hoạt động quân sự đôi khi diễn ra sâu trong lãnh thổ Iraq, thường xuyên làm căng thẳng mối quan hệ song phương, trong khi quốc gia này đang tìm kiếm sự hợp tác tăng cường từ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại PKK.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Thabet Muhammad Al-Abbasi đã bác bỏ khả năng tiến hành “các hoạt động quân sự chung” giữa Baghdad và Ankara. Thay vào đó, ông đề xuất thành lập một “trung tâm tình báo phối hợp vào thời điểm và địa điểm thích hợp”.

PKK đã tiến hành các cuộc nổi dậy chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984, nhóm này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ các đồng minh phương Tây liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Kể từ năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một loạt hoạt động xuyên biên giới chống lại PKK ở miền Bắc Iraq, cũng như đã lên kế hoạch tấn công các chiến binh mới vào mùa xuân này và tìm kiếm sự hợp tác của Iraq.

Thủ tướng Iraq cho biết, ông và Tổng thống Erdogan đã thảo luận về hợp tác an ninh cũng như cách thức đối phó với những thách thức liên quan đến sự hiện diện của các nhóm vũ trang, những nhóm có thể đã hợp tác với các tổ chức khủng bố. Khi đề cập đến sự hiện diện của các chiến binh thuộc PKK, ông Al Sudani thừa nhận những điểm yếu cần kiểm soát nhiều hơn ở các khu vực biên giới chung giữa hai nước. Sự hiện diện của nhóm vũ trang PKK ở khu vực miền núi phía Bắc Iraq là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Erdogan đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid để thảo luận các vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế cũng như các cách thức tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tổng thống Iraq nhấn mạnh cam kết của Iraq trong việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền và an ninh quốc gia của Iraq.

Nỗ lực nối lại hoạt động xuất khẩu dầu 

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq giải quyết các ưu tiên của họ, thì KRG lại tìm cách tiếp tục xuất khẩu dầu quốc tế thông qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Hoạt động xuất khẩu dầu của KRG qua Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt vào tháng 3.2023, sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế, tuyên bố việc xuất khẩu là bất hợp pháp và áp dụng mức phạt 1,5 tỷ USD đối với Thổ Nhĩ Kỳ phải trả cho Iraq.

KRG đã phải đối mặt với căng thẳng tài chính đáng kể kể từ đó, vì xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu chính cho tiền lương và các dự án của KRG. Hiệp hội Công nghiệp Dầu mỏ Kurdistan gần đây ước tính rằng, Iraq mất khoảng 14 tỷ USD doanh thu do ngừng xuất khẩu dầu KRG. Điều này mâu thuẫn với khẳng định trước đó của Baghdad rằng việc Ankara từ chối trả tiền phạt đã trì hoãn việc nối lại xuất khẩu dầu của người Kurd.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Dầu mỏ Kurdistan (APIKUR), sự bế tắc trong đàm phán giữa Baghdad và Erbil (thủ phủ tỉnh bán tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq) chủ yếu xoay quanh các điều khoản trong hợp đồng của KRG với các công ty dầu mỏ nước ngoài, đặc biệt là liên quan đến phí sản xuất. Baghdad đặt mục tiêu bồi thường cho các công ty dầu mỏ ở mức khoảng 6 USD/thùng dầu sản xuất được, trong khi các công ty dầu khí quốc tế được cho là yêu cầu khoảng 20 USD/thùng.

Sau cuộc gặp ở Baghdad, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tới Erbil để hội đàm với các quan chức người Kurd ở Iraq về vấn đề thương mại và an ninh, trong khi KRG đặt mục tiêu tranh thủ sự hỗ trợ của Erdogan để tiếp tục xuất khẩu dầu.

Bất chấp những biểu hiện lạc quan và việc ký kết hơn 20 bản ghi nhớ trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những thách thức đáng kể vẫn tồn tại trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq. Mức độ mà hai nước có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực ưu tiên của mình vẫn chưa chắc chắn.

Như Ý
#