Bangladesh - Ấn Độ:

Tầm nhìn chung cho tương lai

- Thứ Ba, 25/06/2024, 07:03 - Chia sẻ

Kết thúc chuyến thăm Ấn Độ kéo dài hai ngày của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, hai nước đã đạt được Tuyên bố quan trọng về “Tầm nhìn chung cho tương lai” với những cam kết đột phá về thương mại, quốc phòng, kết nối Nhân dân và giải quyết vấn đề nguồn nước.

Điểm hội tụ của 4 học thuyết

Thủ tướng Bangladesh vừa có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài tới Ấn Độ kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba. Chỉ tính riêng trong năm qua hai Thủ tướng đã gặp nhau 10 lần, cho thấy cường độ gắn kết giữa hai nước.

Phát biểu tại cuộc hội đàm song phương, Thủ tướng Modi khẳng định, New Delhi và Dhaka không ngừng củng cố quan hệ trong thập kỷ qua và biến Ấn Độ và Bangladesh thành đối tác có giá trị của nhau. Nỗ lực của hai nhà lãnh đạo đã mang lại “chương sử vàng” trong quan hệ song phương.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp người đồng nhiệm Bangladesh Sheikh Hasina tại New Delhi ngày 22.6. Ảnh: PTI
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp người đồng nhiệm Bangladesh Sheikh Hasina tại New Delhi ngày 22.6. Ảnh: PTI

Là quốc gia có chung đường biên giới đất liền dài 4.096,7km, dài nhất trong số các nước láng giềng của Ấn Độ, Bangladesh nằm ở điểm hội tụ của 4 chính sách và học thuyết mà Thủ tướng Modi theo đuổi, bao gồm chính sách “Láng giềng trên hết”, chính sách “Hành động hướng Đông”, học thuyết SAGAR (An ninh và Tăng trưởng) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Chính vì vậy, Thủ tướng Modi cho rằng, sự phát triển của tương lai chung trong mối quan hệ song phương còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của khu vực.

Sự gặp gỡ của hai “tầm nhìn”

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Banglesh đánh dấu chuyến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Modi, hai bên đã ký Tuyên bố về “Tầm nhìn chung cho tương lai”. Văn kiện quan trọng khẳng định “quan hệ đối tác Ấn Độ - Bangladesh, được hình thành trên các mối liên kết sâu sắc về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và kinh tế đã được củng cố trong thập kỷ qua” và “được hướng dẫn bởi những khát vọng mới trong thế kỷ XXI”; đồng thời cam kết đưa Ấn Độ và Bangladesh từ “quan hệ đối tác chiến lược” trở thành “mối quan hệ đối tác mang tính chuyển đổi”.

Đặc biệt, hai nước chia sẻ niềm tin về sự thịnh vượng của mỗi nước có sự gắn bó mật thiết với nhau và mối quan hệ song phương đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa khát vọng của mỗi nước, trong đó với Delhi là “Tầm nhìn về một Ấn Độ phát triển 2047” và với Dhaka là “Tầm nhìn về một Bangladesh thông minh 2041”.

Cam kết chia sẻ nguồn nước

Một trong những kết quả quan trọng của chuyến thăm là Bangladesh và Ấn Độ đạt được sự đồng thuận về bảo tồn và quản lý sông Teesta bên trong Bangladesh với sự hỗ trợ của Ấn Độ trong khung thời gian được hai bên thảo luận. Ngoài ra, hai bên nhất trí khởi động các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật về việc gia hạn Hiệp ước Nước sông Hằng năm 1996 với việc thành lập Ủy ban kỹ thuật chung.

Hiệp ước năm 1996 về chia sẻ nước sông Hằng nhằm giải quyết các tranh chấp lâu dài giữa Bangladesh và Ấn Độ trên cơ sở thiết lập các hướng dẫn rõ ràng về việc Ấn Độ xả nước vào sông Hằng. So với thỏa thuận trước đó năm 1977, Hiệp ước mới duy trì cấu trúc tương tự nhưng đưa ra công thức chia sẻ nước thay thế số liệu dòng chảy tuyệt đối, xác định việc phân bổ nước từ ngày 1.1 đến ngày 31.5 hàng năm.

Tổng cộng 54 con sông kết nối Ấn Độ và Bangladesh, vì vậy, quản lý nguồn nước là một trong những trụ cột quan trọng cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương.

Củng cố trụ cột “kết nối” và “thương mại”

Đánh giá về những thành tựu quan trọng về “kết nối” giữa hai nước trong năm qua, Thủ tướng Modi cho biết: Giao dịch bằng đồng rupee của Ấn Độ đã bắt đầu được triển khai. Chuyến du ngoạn đường thủy dài nhất thế giới trên sông Hằng giữa Ấn Độ và Bangladesh đã kết thúc thành công. Và đường dây hữu nghị xuyên biên giới đầu tiên giữa Ấn Độ và Bangladesh đã được hoàn thành.

Để thúc đẩy hơn nữa thành tựu đó, hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục tập trung vào chương trình nghị sự kết nối bao gồm nới lỏng thủ tục thị thực, tự do di chuyển hàng hóa, dòng năng lượng và điện xuyên biên giới cũng như xây dựng các “cây cầu” kỹ thuật số.

Là một phần của các sáng kiến kết nối tiểu vùng, Ấn Độ sẽ mở rộng các cơ sở trung chuyển để vận chuyển hàng hóa Bangladesh đến Nepal và Bhutan thông qua mạng lưới đường sắt. Hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ mới về kết nối đường sắt và quyết định triển khai dịch vụ tàu chở hàng từ Gede-Darshana của Banglesh đến Hasimara của Ấn Độ qua đầu mối đường sắt tại biên giới Ấn Độ - Bhutan.

Bangladesh và Ấn Độ quyết tâm tiếp tục mở rộng hợp tác năng lượng và cùng nhau phát triển thương mại điện trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, hai nước nhất trí đẩy nhanh việc xây dựng đường dây kết nối công suất cao 765kV giữa Katihar - Parbatipur - Bornagar với nguồn tài trợ của Ấn Độ để đóng vai trò là điểm tựa cho kết nối lưới điện.

Nhận thức được di sản văn hóa và lịch sử chung cũng như mối quan hệ giao lưu Nhân dân sôi động, hai nước quyết định nuôi dưỡng các mối liên kết hiện có bằng cách thúc đẩy trao đổi giữa các học giả, nghệ sĩ, du khách, sinh viên và thanh niên. Ấn Độ sẽ nâng cao hơn nữa mức độ hỗ trợ của mình cho Muktijoddhas (cựu quân nhân Bangladesh) và gia đình họ bằng các chương trình mới hỗ trợ y tế và giáo dục. Ấn Độ cũng sẽ triển khai cơ sở cấp thị thực y tế điện tử cho người Bangladesh đến Ấn Độ để điều trị.

Về thương mại, Bangladesh là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ ở Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ hai ở châu Á. Sự chuyển đổi trong mối quan hệ kinh tế Ấn Độ - Bangladesh tạo nền tảng vững chắc không chỉ cho sự hội nhập tiểu vùng của Tiểu lục địa phía đông mà còn cho vùng duyên hải Vịnh Bengal và phía đông Ấn Độ Dương.

Để thực chất hóa hơn nữa mối quan hệ này, New Delhi và Dhaka đề xuất khởi động các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn từ lâu về Thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện (CEPA); sớm triển khai hai Hiệp định Đặc biệt về các khu kinh tế (SEZ) tại Mongla và Mirsharai của Banglesh. Hai nước cũng quyết định ký kết Thỏa thuận khung mới về Đối tác Phát triển, nhằm mở rộng phạm vi của các dự án và chương trình xuyên biên giới phù hợp với các ưu tiên của người dân và chính phủ Bangladesh cũng như tầm nhìn dài hạn về kết nối chặt chẽ hơn.

Hai nước cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của công nghệ mới nổi trong việc xây dựng xã hội toàn diện, bền vững, nơi người dân được trao quyền kỹ thuật số. Về điểm này, Bangladesh và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy Quan hệ đối tác kỹ thuật số Ấn Độ - Bangladesh và “Tầm nhìn chung cho quan hệ đối tác xanh Ấn Độ - Bangladesh vì một tương lai bền vững”. Những khuôn khổ này được kỳ vọng giúp hai nước tận dụng các công nghệ xanh và kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thích ứng với khí hậu, bảo tồn môi trường, trao đổi kỹ thuật số xuyên biên giới.

Đưa hợp tác quốc phòng ngang với các trụ cột khác

Trong văn kiện “Tầm nhìn chung cho tương lai”, hai nhà lãnh đạo cũng đã đưa ra những dự định hiện đại hóa mối quan hệ quốc phòng song phương, vốn đang phát triển chậm hơn so với các trụ cột thương mại và kết nối. “Để tăng cường quan hệ quốc phòng hơn nữa, chúng tôi đã thảo luận chi tiết từ sản xuất quốc phòng đến hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bangladesh trong các cam kết quân sự nhiều mặt về các cuộc tập trận, huấn luyện và phát triển năng lực, trong đó có hợp tác chống khủng bố và gìn giữ hòa bình”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hai nước quyết định cùng đưa mục tiêu "Quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai" của Tầm nhìn ​Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo hướng tự do và rộng mở. Hai nước cũng hy vọng mối quan hệ này sẽ trở thành một trụ cột chính cho hội nhập khu vực và tiểu khu vực theo các cấu trúc BIMSTEC (Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực), SAARC (Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực) và Khu vực Ấn Độ Dương. “Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trên các nền tảng chung để thúc đẩy lợi ích chung của chúng ta, đặc biệt là lợi ích của các nước Nam bán cầu”, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh.

Quốc Đạt (Theo Daily Stars, The Hindu)
#