EU quay lại “tài chính trách nhiệm”

- Thứ Sáu, 03/05/2024, 07:20 - Chia sẻ

Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức phê duyệt các quy định tài chính mới cho EU, báo trước sự quay trở lại với “tài chính trách nhiệm” với mục tiêu giảm lạm phát và ổn định tài chính công, sau thời kỳ chi tiêu quá mức do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng gây ra. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng các quy định mới có thể bóp nghẹt hoạt động đầu tư xanh quan trọng.

Các nội dung chính của quy định sửa đổi

Theo Euro News, nền kinh tế EU đang phải đối mặt với những thách thức mới với sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 và hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga. Trong bối cảnh mức nợ, lãi suất cao hơn cũng như các mục tiêu cải cách và đầu tư chung mới, EU muốn đưa ra những quy tắc tài chính mới nhằm cải cách Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng cũng như cách thức cải thiện hiệu quả của hiệp ước này.

Vào tháng 12 năm ngoái, Hội đồng và Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận tạm thời về các quy định tài chính mới sau nhiều tháng tranh cãi. Các quy định tài chính sửa đổi đã được thông qua với 359 phiếu ủng hộ, 166 phiếu chống và 61 phiếu trắng, đưa EU trở lại với các biện pháp kiểm soát ngân sách nghiêm ngặt vốn phần lớn đã bị bãi bỏ do đại dịch.

Theo quy định mới, các bên nhất trí duy trì mục tiêu chung của cải cách là giảm tỷ lệ nợ và thâm hụt ngân sách một cách dần dần, thực tế, bền vững và thân thiện với tăng trưởng; đồng thời bảo vệ các cải cách và đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như kỹ thuật số, xanh, xã hội hoặc quốc phòng. Khuôn khổ mới sẽ cung cấp không gian thích hợp cho các chính sách phản chu kỳ và giải quyết tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô. Nguyên tắc mới cũng duy trì nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên trong việc đệ trình các kế hoạch cơ cấu tài chính trung hạn quốc gia.

Nguồn: Euronews
Nguồn: Euronews

Ủy ban sẽ đệ trình “quỹ đạo tham chiếu” (trước đây gọi là “quỹ đạo kỹ thuật”) cho các quốc gia thành viên có nợ chính phủ vượt quá 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc khi thâm hụt chính phủ vượt quá 3% GDP. Thỏa thuận tạm thời cung cấp trước một cuộc đối thoại mang tính tùy chọn và thực tế giữa các quốc gia thành viên và Ủy ban.

Quỹ đạo tham chiếu chỉ ra cách các quốc gia thành viên có thể bảo đảm rằng vào cuối giai đoạn điều chỉnh tài chính kéo dài 4 năm, nợ chính phủ sẽ theo quỹ đạo giảm hợp lý hoặc duy trì ở mức thận trọng trong trung hạn. Quy định tài chính mới bao gồm hai biện pháp bảo vệ mà quỹ đạo tham chiếu phải tuân thủ, biện pháp bảo vệ tính bền vững nợ, để bảo đảm giảm mức nợ và biện pháp bảo vệ khả năng phục hồi thâm hụt, để cung cấp một biên độ an toàn dưới giá trị tham chiếu thâm hụt của Hiệp ước là 3% GDP.

Dựa trên quỹ đạo tham chiếu, các quốc gia thành viên sau đó kết hợp lộ trình điều chỉnh tài chính, được thể hiện dưới dạng lộ trình chi tiêu ròng vào kế hoạch cơ cấu tài chính trung hạn quốc gia của họ. Do đó, các kế hoạch, bao gồm cả lộ trình chi tiêu ròng cần phải được Hội đồng thông qua; thỏa thuận quy định rằng tài khoản kiểm soát sẽ ghi lại những sai lệch so với lộ trình chi tiêu ròng của từng quốc gia cụ thể.

Các quy định mới sẽ khuyến khích hơn nữa cải cách cơ cấu và đầu tư công cho sự bền vững và tăng trưởng. Các quốc gia thành viên sẽ được phép yêu cầu gia hạn thời gian điều chỉnh tài chính 4 năm lên tối đa 7 năm nếu họ thực hiện một số cải cách và đầu tư nhất định nhằm cải thiện khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng cũng như hỗ trợ tính bền vững tài chính và giải quyết các ưu tiên chung của EU. Những điều này bao gồm đạt được quá trình chuyển đổi công bằng, xanh và kỹ thuật số, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và xã hội và khi cần thiết, tăng cường khả năng phòng thủ.

Những ý kiến trái chiều

Các quy định về ngân sách của EU thường là một chiến trường chính trị trong khu vực đồng euro do các quốc gia thành viên tiết kiệm như Đức và Hà Lan thường chỉ trích cách chi tiêu bị coi là hoang phí ở các thành viên khu vực đồng euro như Hy Lạp và Italy. Bất chấp sự đồng thuận rộng rãi trên toàn bộ chính trường về sự cần thiết của các quy tắc tài chính rõ ràng, đơn giản và linh hoạt hơn, một số nghị sĩ cánh tả lo ngại rằng những quy định này có thể đưa đến những hạn chế đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho môi trường.

Theo các quy định mới, các chính phủ sẽ phải giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP - điều mà có thể sẽ khiến các quốc gia thành viên có khoảng cách tài trợ công trị giá hàng tỷ euro. Một nghiên cứu gần đây do Liên đoàn Công đoàn châu Âu (ETUC) công bố cho thấy, chỉ có ba quốc gia EU là Đan Mạch, Ireland và Thụy Điển - có thể đáp ứng khoảng cách đầu tư xã hội và đầu tư xanh ước tính của họ vào năm 2027.

Nhìn vào nhu cầu chi tiêu như chăm sóc sức khỏe, nhà ở và giáo dục, ETUC ước tính rằng các chính phủ sẽ cần thêm 300 - 420 tỷ euro mỗi năm (2,1 - 2,9% GDP của EU) để đáp ứng các mục tiêu xanh và xã hội trong vài năm tới.

Laura de Bonfils, Tổng Thư ký của tổ chức bảo trợ xã hội Social Platform, nói với Euronews: “châu Âu có nguy cơ lặp lại những sai lầm trong quá khứ, tập trung vào tỷ lệ nợ và thâm hụt tùy tiện thay vì ưu tiên một nền kinh tế hoạt động vì phúc lợi của con người và hành tinh”. Tuy nhiên, đa số các nghị sĩ hoan nghênh việc quay trở lại trách nhiệm tài chính. Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nói với các nhà lập pháp: “cuộc bỏ phiếu cho thấy quyết tâm của tất cả mọi người nhằm thúc đẩy và cải thiện công tác lập pháp hiện hành về tài chính”.

Nghị sĩ Markus Ferber (thuộc Đảng Nhân dân Đức), một trong những nghị viên châu Âu thúc đẩy xây dựng dự luật mới, cho biết trước cuộc bỏ phiếu: “cải cách này tạo nên một khởi đầu mới và đồng thời đưa châu Âu quay trở lại với thời kỳ trách nhiệm tài chính”; ông Ferber nói với các nhà lập pháp trong phiên họp toàn thể cuối cùng của EP trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6: “khi chúng ta nắm quyền kiểm soát ngân sách của mình, chúng ta không cần phải thắt lưng buộc bụng. Mọi người đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm, điều đó thể hiện trách nhiệm tài chính của mỗi quốc gia".

Quốc Đạt
#