Chính sách về nhà ở của Vương quốc Anh: Bức tranh toàn cảnh

- Chủ Nhật, 05/05/2024, 06:29 - Chia sẻ

Kể từ những năm 1970, nước Anh chứng kiến nhiều đợt bùng nổ bất động sản. Mặc dù giá có lúc giảm trong thời gian ngắn, như trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào giữa những năm 1970 hoặc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng về lâu dài, giá cả đã tăng dần đều và khả năng chi trả giảm đáng kể. Điều này khiến cho chính sách về nhà vừa túi tiền cho người dân trở nên đặc biệt quan trọng ở Vương quốc Anh.

Nhu cầu đăng ký nhà giá rẻ quá lớn

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mang tên "Chính sách nhà ở vừa túi tiền ở Vương quốc Anh và bài học cho châu Á", những người thuê nhà cá nhân ở Anh phải trả khoảng 33% thu nhập hộ gia đình của họ, thậm chí người ở London phải trả tới 40%. Khó khăn như vậy khiến tới 61% người thuê nhà tư nhân không có tiền tiết kiệm, đồng nghĩa với việc họ khó có thể mua nhà và tiếp tục phải thuê nhà giá cao trong nhiều năm.

Mặc dù, nguồn nhà ở công cộng lớn, được gọi là nhà ở xã hội ở Anh, có thể đáp ứng được phân khúc người thuê nhà tư nhân thấp hơn, song không may là nguồn cung nhà ở xã hội ở Vương quốc Anh không còn lớn như trước. Nếu như năm 1980 chiếm 31,4% tổng nguồn cung nhà ở, thì đến năm 2020 tỷ lệ này chỉ còn 16,7%. Trong khi đó, tỷ lệ thuê nhà từ các chủ tư nhân đã tăng từ 11,9% lên 18,7%, với số lượng nhà cho thuê từ bên tư nhân vượt qua số lượng nhà cho thuê xã hội kể từ năm 2012.

Nguồn: stock.adobe.com
Nguồn: stock.adobe.com

Việc sở hữu nhà tăng nhanh chóng chủ yếu là nhờ việc triển khai Chương trình quyền mua bắt đầu vào năm 1979. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh ở mức 70,9% vào năm 2003, tỷ lệ trên đã giảm xuống vài năm gần đây. Do vậy, hàng đợi xin đăng ký nhà xã hội đang ngày một dài thêm đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Trong khi đó, số lượng người thuộc tầng lớp thấp hơn trung một chút đang phải chịu các mức giá thuê cao trên thị trường thuê nhà tư nhân.

Các biện pháp thúc đẩy nhà ở giá rẻ

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền cấp trung ương và địa phương ở Anh cũng như các tổ chức từ thiện đã thực hiện nhiều chính sách để giảm bớt tình trạng khó khăn về nhà ở.

Trước hết là chính sách về nhà ở xã hội. Đây là loại hình nhà cho thuê mà giá thuê được xác định dựa trên điều kiện, nhu cầu của người thuê và điều kiện của địa phương. Do đó, giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường và giá thuê nhà ổn định thường được bảo đảm. Chủ sở hữu những đơn vị nhà ở này được gọi là “chủ nhà xã hội”, và đó có thể là hiệp hội nhà ở hoặc chính quyền địa phương. 

Ban đầu, nhà ở xã hội được xây dựng cho các cựu quân nhân, nhưng sau Thế chiến II, chính quyền Công đảng đã xây dựng 800.000 đơn vị nhà ở hội đồng để bù đắp cho sự tàn phá của chiến tranh, đánh dấu sự khởi đầu thực sự của nhà ở xã hội. Vào thời điểm đó, nhà ở xã hội do chính quyền địa phương xây dựng, sở hữu và quản lý. Vì chính quyền địa phương ở Anh được gọi là hội đồng địa phương nên nhà ở công thuộc sở hữu của chính quyền địa phương được gọi là nhà ở hội đồng. Nhà ở hội đồng rất được người dân hoan nghênh, đặc biệt là những người được hưởng lợi từ đó. Nhiều thập kỷ sau, Chính phủ Bảo thủ dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher lúc đó đã thực hiện hai chính sách thay đổi lớn, đó là: đưa ra quyền mua và thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các hiệp hội nhà ở. Hiện nay, các hiệp hội nhà ở nắm giữ nhiều nhà ở xã hội cho thuê hơn hội đồng địa phương. Sự thay đổi này đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên mới, trong đó các hiệp hội nhà ở là nhà cung cấp chính nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nhà ở xã hội mới của họ không dồi dào như Chính phủ Anh thời hậu chiến.

Chính sách quan trọng tiếp theo là đưa ra quyền mua. Chương trình quyền mua cung cấp cho người thuê nhà ở hội đồng quyền hợp pháp để mua căn nhà mà họ đang thuê với mức giá chiết khấu. Kế hoạch này đã giúp hàng triệu cư dân cũ của nhà ở hội đồng thành chủ sở hữu nhà, đưa họ lên tầng lớp trung lưu một cách hiệu quả. Chỉ riêng năm 1982, 200.000 ngôi nhà đã được bán theo chương trình này.

Chính quyền địa phương luôn có quyền bán nhà ở hội đồng của họ, nhưng người thuê nhà không có quyền đề xướng việc mua. Ý tưởng về quyền mua ban đầu được Công đảng đề xuất trong cuộc bầu cử năm 1959 và cuối cùng Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Margaret Thatcher thực hiện vào năm 1979. Giá bán thường được chiết khấu từ 33 - 50%. Chính quyền địa phương cũng phải đưa ra phương án thế chấp không cần đặt cọc. Giảm giá nhiều hơn sẽ dành cho những người thuê nhà ở lâu năm trong nhà ở hội đồng. Chính quyền trung ương hạn chế việc chính quyền địa phương sử dụng thu nhập từ việc bán nhà ở hội đồng để trả nợ. Chỉ sau khi tất cả các khoản nợ được giải quyết, chính quyền địa phương mới có thể sử dụng thu nhập để xây dựng nhà ở hội đồng. Để ngăn chặn nguồn cung nhà xã hội bị giảm, luật năm 2018 ở Vương quốc Anh yêu cầu chính quyền địa phương phải xây dựng một đơn vị nhà ở giá cả vừa túi tiền khi bán một đơn vị nhà ở loại này.

Ngoài phát triển nhà xã hội và đưa ra chương trình quyền mua, Vương quốc Anh còn chú trọng đến việc đưa ra các ưu đãi, phúc lợi về nhà ở. Chúng có thể là tiền mặt để người được thụ hưởng sử dụng để trang trải chi phí nhà ở, chẳng hạn như tiền thuê nhà hay phí dịch vụ ở các căn nhà cho thuê tư nhân hay xã hội. Chính phủ Anh còn tích hợp các lợi ích về nhà ở với các lợi ích khác theo chương trình tích hợp của Tín dụng toàn cầu (Universal Credit). Trợ cấp nhà ở được thiết lập ở mức tỷ lệ của hỗ trợ nhà ở địa phương, do đó tỷ lệ này khác nhau ở các vùng trong cả nước. Trợ cấp nhà ở có thể được trả cho những người đã qua tuổi nghỉ hưu và những người đang sống trong những căn nhà tạm thời, hay đang được hỗ trợ.

Mục 106 thuộc Luật Quy hoạch thị trấn và quốc gia năm 1990 cho phép chính quyền địa phương đàm phán với các doanh nghiệp phát triển nhà tư nhân linh hoạt hơn ngoài các cơ chế quy hoạch thông thường. Chính quyền địa phương có thể cấp phép cho dự án nhà phát triển không được phép trong một số trường hợp với điều kiện các dự án này đóng góp cho các hoạt động xã hội, góp phần phát triển nhà ở giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người dân.

Ngọc Minh (Theo adb.org)
#