Cải cách tư pháp gây tranh cãi tại Israel

- Thứ Hai, 27/03/2023, 17:02 - Chia sẻ

Ngày 27.3, Tổng thống Israel Isaac Herzog kêu gọi Chính phủ nước này “gác lại những tính toán chính trị vì lợi ích quốc gia”. Theo đó, ngừng cuộc cải cách tư pháp đang gây tranh cãi gay gắt, mà ông cho là đe dọa “an ninh, kinh tế và xã hội” của nhà nước Do Thái.

Lằn ranh đỏ

Theo AP, tuyên bố của vị nguyên thủ quốc gia được đưa ra vài giờ sau khi hàng chục nghìn người đổ ra đường trên khắp đất nước để thể hiện sự tức giận trước quyết định cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Thủ tướng Netanyahu hôm 26.3. Người biểu tình đốt cháy các vật dụng để tạo ra chướng ngại vật, cản trở lưu thông trên một tuyến đường cao tốc quan trọng ở Tel Aviv. Ngoài thành phố này, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn khác như Beersheba và Haifa. Hàng nghìn người còn tập trung xung quanh Dinh Thủ tướng tại Jerusalem…

Cùng đó, một loạt thị trưởng các thành phố và lãnh đạo địa phương tuyên bố tuyệt thực để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Chính phủ, trong khi nhiều trường đại học lớn tuyên bố tham gia cuộc biểu tình lớn trong ngày 27.3. Trên Twitter, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett mới đây cảnh báo, nhà nước Do Thái đang rơi vào tình thế nguy hiểm chưa từng có kể từ chiến tranh Yom Kippur - xung đột giữa Israel và liên minh các nước Ảrập (6-26.10.1973) khiến 2.656 người Israel thiệt mạng và 7.250 người khác bị thương. Trong khi đó, ông Yehudah Mirsky, giáo sư nghiên cứu về Do Thái và cận Đông tại Đại học Brandeis, Mỹ đánh giá, các cuộc biểu tình “đã phát triển đều đặn và trở thành phong trào phản đối lớn nhất từng thấy trong lịch sử Israel”.

Trước đó, trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav  Gallant- một trong những quan chức cao cấp nhất thuộc đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã kêu gọi Chính phủ tạm dừng kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp, cho rằng chia rẽ trong xã hội nước này nảy sinh từ nó đang ảnh hưởng đến quân đội và đe dọa an ninh quốc gia.

Động thái cách chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng của ông Netanyahu vấp phải chỉ trích gay gắt của các nhà lãnh đạo đối lập. Chủ tịch đảng Yesh Atid, từng là cựu Thủ tướng Yair Lapid và lãnh đạo đảng Thống nhất Quốc gia,  cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz  đã cùng ra tuyên bố chung rằng “an ninh quốc gia không phải là con bài trong trò chơi chính trị. Thủ tướng Netanyahu đã vượt qua lằn ranh đỏ với quyết định hôm 26.3”. Trước đó, ông Lapid ca ngợi sự dũng cảm của Bộ trưởng Quốc phòng, coi lời kêu gọi của ông Gallant là bước đi quan trọng vì an ninh của Israel.

Thực ra, Tổng thống Israel Isaac Herzog từng trình bày bản dự thảo có tên “Khuôn khổ nhân dân” vào ngày 15.3 thay cho kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi của Chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu. Đề xuất của tổng thống phản ánh khía cạnh rộng lớn của Israel, đồng thời cho rằng, sự sống còn của Nhà nước Do Thái phụ thuộc vào việc đạt được thỏa hiệp. Lúc đó, ông thậm chí còn cảnh báo về một cuộc “nội chiến”, vì “vực thẳm đang ở ngay trong tầm mắt”, song khẳng định “nội chiến là lằn ranh đỏ. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra, bằng bất cứ giá nào, bằng mọi cách”. Đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất mà Tổng thống Israel đưa ra về hậu quả của việc cải cách tư pháp. Tuy nhiên, đề xuất của ông vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên đảng Likud, cho rằng nó “không tạo ra thay đổi thực sự”. Vào tháng 2, Tổng thống Herzog cũng kêu gọi tạm dừng quy trình lập pháp để cả các bên có thể xích lại gần nhau và thực hiện các cải cách dựa trên sự đồng thuận, song không có tác dụng.

Nguồn AP. Người biểu tình Israel xuống đường phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính quyền Thủ tướng Netanyahu
Người biểu tình Israel xuống đường phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Nguồn: AP

Khi Chính phủ “tấn công” tư pháp

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu luôn tìm cách đại tu toàn diện hệ thống tư pháp của Israel kể từ khi thành lập. Trong đó, đề xuất quan trọng nhất trong kế hoạch cải cách là cho phép đa số hẹp trong Knesset (Quốc hội) lật ngược các phán quyết của Tòa án Tối cao Israel. Ngoài ra, kế hoạch còn hướng đến thay đổi cách lựa chọn thẩm phán và loại bỏ các cố vấn pháp lý độc lập của các bộ trong Chính phủ. Nghĩa là, nếu được thông qua, nó sẽ trao cho chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyền kiểm soát nhiều hơn đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán, qua đó làm suy yếu khả năng của Tòa án Tối cao Israel trong việc bãi bỏ luật hoặc phán quyết chống lại cơ quan hành pháp. Thực tế, luật pháp Israel cho phép Tòa án Tối cao bãi bỏ các biện pháp được Quốc hội thông qua nếu chúng đi ngược lại những gì được gọi là “Luật cơ bản” của đất nước, tức Hiến pháp.

Theo nhiều người, kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp của chính quyền đương nhiệm đang bộc lộ những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel. Những người phản đối cho rằng, cải tổ này sẽ làm tê liệt tính độc lập của nền tư pháp, thúc đẩy tham nhũng, hạn chế các quyền của thiểu số và tước đi quyền lực của Tòa án Tối cao Israel. Một trong những người kịch liệt phản đối là Tổng chưởng lý Israel Gali Baharav-Miara, bởi theo bà, kế hoạch  trao cho Chính phủ “quyền lực vô hạn”, thật chẳng khác gì “cuộc tấn công không kiểm soát vào hệ thống tư pháp”.

Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại lập luận, cải cách tư pháp là cần thiết để hợp lý hóa quản trị và điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp Israel, trong bối cảnh chính quyền cáo buộc các tòa án nước này đã được trao quá nhiều quyền lực. Theo ông Netanyahu, kế hoạch cải tổ sẽ giúp cân bằng 3 nhánh quyền lực cao nhất và là điều cần thiết để củng cố nền dân chủ của Israel. Bởi nó giúp “Israel phù hợp với hầu hết các nền dân chủ trên thế giới, bởi vì Israel hiện là một ngoại lệ”, ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của CNN vào đầu năm.

Tuy nhiên, khi được Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin công bố vào tháng 1, đề xuất cải cách đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội, khiến các cuộc biểu tình gia tăng trong nhiều tuần trên khắp Israel. Tờ Guardian thậm chí nhận định, kế hoạch đại tu tư pháp gây ra một trong những cuộc khủng hoảng trong nước nghiêm trọng nhất tại nước này.

Ngày 26.3, Mỹ đã phải đưa ra tuyên bố bất thường. Người phát ngôn Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết, Mỹ quan ngại sâu sắc về các sự kiện gia tăng căng thẳng ở Israel. “Chúng tôi tiếp tục hối thúc mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Israel tìm kiếm một thỏa hiệp càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin rằng đó là con đường tốt nhất cho Israel và tất cả công dân của họ”, bà nói. Theo Watson, “các giá trị dân chủ đã luôn và phải được duy trì như dấu ấn quan trọng trong quan hệ Mỹ-Israel… Các xã hội dân chủ được củng cố bằng sự giám sát và cân bằng, và những thay đổi cơ bản đối với một hệ thống dân chủ nên được theo đuổi trên cơ sở nhận được ủng hộ với quy mô rộng nhất có thể”.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu đang cố gắng thúc đẩy các dự luật cải cách quan trọng, dự kiến sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội. Trước đó, tối 23.3, Thủ tướng Netanyahu có bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, trong đó ông nhấn mạnh sẽ tham gia đầy đủ vào tiến trình cải cách tư pháp để bảo đảm sự cân bằng, khẳng định các dự luật sẽ tiếp tục được thông qua bất chấp làn sóng biểu tình.

Liên minh cầm quyền do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu hiện giữ 64 ghế tại Quốc hội có tổng số 120 nghị sĩ. Điều này có nghĩa là sẽ cần thêm ít nhất 3 nghị sĩ khác ngoài ông Gallant để ngăn chặn các dự luật được thông qua trong thời gian tới.

Theo USA Today, các nhà phân tích cho rằng, thực tế ông Netanyahu vẫn công nhận tầm quan trọng của Tòa án Tối cao Israel cho tới gần đây, song việc “thay long, đổi dạ” của ông là sản phẩm phụ của cả nhu cầu duy trì sự thống nhất trong liên minh cực hữu của ông lẫn những cáo buộc tham nhũng mà nhà lãnh đạo này phải đối mặt. Cho tới nay, ông đang phải đối mặt với các cáo trạng lừa dối, vi phạm lòng tin và nhận hối lộ trong ba vụ bê bối liên quan đến các cộng sự giàu có và các ông trùm truyền thông quyền lực. Giáo sư Zipperstein nói, “các cáo buộc tham nhũng đang được đưa ra để chống lại ông ấy về cơ bản sẽ bị hủy bỏ nếu các quyết định của Tòa án Tối cao bị vô hiệu”.

Linh Anh
#