Hàn gắn

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 05:44 - Chia sẻ

Hôm qua, 26.5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Israel, sau khi thăm Palestine trước đó. Đáng chú ý là, đây là chuyến đi đầu tiên đến Nhà nước Do Thái của quan chức ngoại giao hàng đầu của Ankara trong vòng 15 năm trở lại đây. Nó thể hiện mong muốn sửa chữa mối quan hệ sóng gió vốn bắt đầu căng thẳng sau chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza vào năm 2008.

Băng đang tan dần

Từng là đồng minh mạnh mẽ trong khu vực, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng kiến mối quan hệ rạn nứt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Erdogan. Ông là người chỉ trích thẳng thắn các chính sách của Israel đối với người Palestine. Về phần mình, Israel lo lắng về sự ủng hộ của Ankara đối với nhóm Hamas kiểm soát Dải Gaza của Palestine. Ngoài ra, cả hai nước còn bất đồng về nhiều vấn đề khu vực, chẳng hạn như cuộc đảo chính năm 2013 ở Ai Cập, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, việc Mỹ rút quân khỏi Syria vào năm 2019 và các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây.

,Hàn gắn
Nguồn: Getty Images

Năm 2010, mối quan hệ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có thể nói là hoàn toàn sụp đổ khi các lực lượng Israel tấn công một tàu viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến đến Dải Gaza bị phong tỏa khiến 10 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. 8 năm sau, hai bên trục xuất đại sứ của nhau.

Chính vì vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Israel là dấu hiệu mới nhất trong nỗ lực của hai quốc gia nhằm cải thiện quan hệ sau những căng thẳng kéo dài. Các bước tiến tới quan hệ hợp tác với Israel diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng chấm dứt sự cô lập quốc tế bằng cách cải thiện quan hệ căng thẳng với một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Ảrập Xêút.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát tín hiệu sẵn sàng nối lại quan hệ với Israel sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức, và thậm chí còn hơn thế sau khi Chính phủ mới của Israel lên cầm quyền một năm trước. Quá trình bình thường hóa diễn ra chậm và đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Ankara giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Israel Isaac Herzog vào tháng 3 vừa qua. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo  Israel tới Ankara trong 14 năm qua.

Bình thường hóa với Israel không ảnh hưởng đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ -   Palestine

Liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, Ngoại trưởng Cavusoglu bày tỏ hy vọng, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có thể “giải quyết những bất đồng của chúng tôi theo cách thức xây dựng hơn.” Đồng thời, ông nhấn mạnh “Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chịu trách nhiệm tiếp tục các nỗ lực hướng tới đối thoại (giữa Israel và Palestine)”.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp, Ngoại trưởng Cavusoglu đã đến thăm khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem do Israel sáp nhập, địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi và là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel trong tháng lễ Ramadan. Ông phát biểu: “Chúng tôi tin rằng việc bình thường hóa các mối quan hệ của chúng tôi sẽ có tác động tích cực đến việc giải quyết xung đột một cách hòa bình”

Trước đó, trong chuyến thăm Palestine, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của nước này với người Palestine. Ông nói: “Sự ủng hộ của chúng tôi đối với chính nghĩa của người Palestine hoàn toàn độc lập với quá trình quan hệ của chúng tôi với Israel”.

Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Israel và Palestine nhằm thiết lập một nhà nước Palestine độc lập ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza bị chiếm đóng, đã sụp đổ vào năm 2014. Kể từ đó, hai bên không tổ chức được các cuộc đàm phán nghiêm túc nào.

Củng cố sợi dây kinh tế

Trong cuộc gặp mới nhất, Ngoại trưởng Cavusoglu và người đồng cấp Israeli Yair Lapid nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn luôn tiếp tục phát triển, bất chấp nhiều năm gay gắt.

Ngoại trưởng Lapid cho biết: “Chúng tôi sẽ không giả vờ rằng mối quan hệ của mình không hề thăng trầm. Dẫu vậy, ngay cả trong thời điểm căng thẳng chính trị, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia vẫn không ngừng tăng lên”.

Hai bên nhất trí “tái thiết” quan hệ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc nối lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hàng không dân dụng. Đặc biệt, Ngoại trưởng Yair Lapid và Ngoại trưởng Cavusoglu còn cùng đồng thuận trong việc tái khởi động Ủy ban kinh tế chung giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Yair Lapid nhấn mạnh, Israel đang mở ra “chương mới” trong quan hệ với Ankara. Theo ông, mục tiêu là hình thành và mở rộng hợp tác kinh tế, dân sự giữa hai quốc gia vì lợi ích của các doanh nghiệp và người dân hai bên, đồng thời tận dụng lợi thế so sánh giữa hai quốc gia trong khu vực và toàn cầu ngay cả trong thời kỳ đại dịch hay thời điểm căng thẳng chính trị.  

Các số liệu được công bố cho thấy, thương mại kết hợp giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tăng 35% vào năm 2021 lên 6,7 tỷ USD từ 4,9 tỷ USD vào năm 2020. Israel nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 4,76 tỷ USD từ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021, tăng 36% so với năm 2020 và xuất khẩu 1,9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 33% so với năm 2020. Nhập khẩu tăng chủ yếu là nhờ các mặt hàng như đồ nhựa, cao su, máy móc, thiết bị điện, kim loại, xi măng, gốm sứ và thủy tinh. Xuất khẩu của Israel sang Thổ Nhĩ Kỳ là các sản phẩm công nghiệp hóa chất tăng 44% lên 273 triệu USD, khoáng sản tăng 121% lên 135 triệu USD và kim loại tăng 74% lên 113 triệu USD...

Năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Ankara từng bày tỏ sẵn sàng cho quan hệ đối tác giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong một dự án có thể vận chuyển khí đốt tự nhiên của Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó có khả năng tới châu Âu. Có thể nói ý tưởng vận chuyển khí đốt của Israel sang châu Âu đã được thảo luận lần đầu tiên cách đây 20 năm và là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt của cả hai.

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có được khí đốt tự nhiên của Israel được thể hiện rõ ràng trong nhiều tuyên bố của Ankara ngay cả trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Xứ sở Bạch Dương là quốc gia mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu phụ thuộc rất nhiều về mặt năng lượng.

Hồi tháng 3, Tổng thống Erdogan từng phát biểu, “một trong những bước quan trọng nhất mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện cho quan hệ song phương, tôi tin rằng sẽ là khí đốt tự nhiên”.

Thái Anh