ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Với mục tiêu thúc đẩy hòa hợp và hòa bình từ tôn giáo trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ASEAN IIDC 2023 lấy chủ đề “Chia sẻ giá trị nền văn minh Đông Nam Á: Xây dựng động lực trung tâm hòa hợp thúc đẩy hòa bình, an ninh, và thịnh vượng” đã quy tụ hơn 200 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo, quan chức chính phủ, các học giả, đại diện các tổ chức xã hội đến từ các quốc gia thành viên ASEAN, và các nước trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, và Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Makarim dự và phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia có nhiều chia sẻ trong phiên thảo luận.
Phát biểu và đánh cồng khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hy vọng ASEAN không chỉ là hình mẫu của sự thống nhất và lòng bao dung giữa lúc thế giới đang gia tăng khủng hoảng xung đột và suy giảm lòng tin tôn giáo. Tổng thống Indonesia cũng khẳng định, ASEAN không chỉ là trung tâm của sự tăng trưởng toàn cầu mà còn là trung tâm của hòa hợp, mỏ neo liên kết chặt chẽ sự ổn định khu vực và hòa bình thế giới.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đưa ra chương trình hành động xây dựng mạng lưới tham vấn và thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp tôn giáo nhằm tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề khu vực và thế giới từ những giá trị đạo đức nhân bản của các tôn giáo để xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, an ninh, và thịnh vượng. Kết quả thảo luận và tuyên bố của hội nghị sẽ được tiếp tục đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN mở rộng lần thứ 43 dự kiến tổ chức vào tháng 9.2023 tại Jakarta.
Phát biểu tại Hội nghị, ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, Việt Nam như Đông Nam Á thu nhỏ với những giá trị đa dạng về văn hóa và tôn giáo. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Việt Nam. Truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là bản sắc và sức mạnh của Việt Nam.
ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng hệ thống pháp luật luôn bảo đảm quyền tự do và bình đẳng tôn giáo, quyền con người và luôn phấn đấu vì mục tiêu đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người trong xã hội. Các tôn giáo đều có đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam, ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã đề xuất Chính phủ các nước ASEAN và các tôn giáo cần mở rộng và thúc đẩy cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, và tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, ASEAN phải tiếp tục tái khám phá và phát huy các giá trị cốt lõi của nguyên lý “thống nhất trong đa dạng” và tăng cường đối thoại tôn giáo, văn hóa, chia sẻ giá trị văn minh chung, thông qua đối thoại dựa trên các nguyên tắc đồng thuận chung của các nước ASEAN nhằm xây dựng ASEAN trở thành động lực trung tâm của hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Kết thúc Hội nghị, Ban tổ chức đã trao cờ luân phiên cho đại diện Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ là quốc gia Chủ tịch ASEAN 2024.