Diễn đàn do Bộ Kinh tế và xã hội kỹ thuật số và Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người của Vương quốc Thái Lan cùng với Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) Thái Lan đăng cai, phối hợp với Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc – Văn phòng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cùng tổ chức.
Nguy cơ trẻ em bị bóc lột và xâm hại tình dục trực tuyến
Theo thống kê, châu Á có tỷ lệ trẻ em sử dụng Internet cao nhất trên toàn cầu và vào năm 2022, khoảng 73% thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15-24 ở Châu Á và Thái Bình Dương thường xuyên kết nối trực tuyến. Cùng với nhiều lợi ích dành cho trẻ em, những rủi ro trực tuyến cũng hiện hữu, trong đó có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em. Tại 6 Quốc gia thành viên ASEAN, dao động từ 1% đến 20% trẻ em sử dụng Internet cho biết đã từng bị bóc lột và xâm hại tình dục trực tuyến. Tại Việt Nam, nghiên cứu Ngăn chặn tác hại do UNICEF, Interpol và ECPAT đồng thực hiện và công bố năm 2022 cho thấy đối với nhóm từ 15-17 tuổi, 2% đã nhận tiền hoặc quà tặng để chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm của mình với người khác.
Nhằm mục đích thúc đẩy hành động mang tính phối hợp và có ý nghĩa trong các nỗ lực phòng, chống lại mọi hình thức bóc lột và xâm hại trẻ em trên mạng, trong và ngoài khu vực ASEAN, Diễn đàn đã thu hút hơn 260 đại biểu, đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và 3 quốc gia khách mời gồm Trung Quốc, Mông Cổ và Papua New Guinea. Các đại biểu đại diện các chính phủ, giới học thuật, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp công nghệ thông tin, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, trẻ em và thanh thiếu niên đã cùng nhau đi sâu vào thảo luận giải pháp, chia sẻ kiến thức và các bài học thực tiễn có hiệu quả để đảm bảo sự an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng và tìm giải pháp để tạo ra một môi trường kỹ thuật số tập trung vào lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Diễn đàn cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tiếng nói, quan điểm của trẻ em và thanh thiếu niên đối với vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng để có các giải pháp phù hợp và toàn diện hơn.
Trước tình trạng số lượng trẻ em có nguy cơ bị tổn hại trên mạng ngày càng tăng nhanh, và cần đẩy nhanh hành động để bảo vệ trẻ em trực tuyến và sự cần thiết phải đưa ra hướng dẫn cho các Quốc gia thành viên ASEAN, nguyên thủ các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và xâm hại trên mạng vào tháng 11 năm 2019 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 35. Để hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và xâm hại trên mạng vào tháng 10 năm 2021.
Kế hoạch này bao gồm 7 lĩnh vực trọng tâm: tăng cường hoàn thiện khung luật pháp và chính sách; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; thành lập các đơn vị chuyên trách; cung cấp dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ trẻ em toàn diện; thu thập dữ liệu và nghiên cứu; xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh, cha mẹ và thầy cô; và thúc đẩy vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ thông tin – tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ trẻ em tốt hơn trước rủi ro và mối nguy hại trên không gian mạng. Đặc biệt lĩnh vực ưu tiên 7 của Kế hoạch này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc ngăn chặn và ứng phó với các tác hại trực tuyến và kêu gọi doanh nghiệp, chính phủ và các bên liên quan khác hàng năm cần họp mặt để xác định và thảo luận giải pháp và hành động trong các lĩnh vực hợp tác chính. Diễn đàn này là một trong những hoạt động quan trọng của lĩnh vực 7 trong Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và xâm hại trên mạng.
Bảo vệ trẻ em được an toàn trên môi trường mạng
Diễn đàn nhằm mục đích mang lại một cơ hội tích cực để thảo luận và hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT trong khu vực, chính phủ và các bên có liên quan chủ chốt khác đảm bảo trẻ em được an toàn trên mạng.
Diễn đàn CNTT ASEAN lần thứ hai mang lại cơ hội tiếp tục tăng cường hợp tác, chia sẻ quan điểm, thực tiễn tốt và hướng dẫn về:
Đảm bảo an toàn cho trẻ em thông qua cải cách luật pháp và chính sách: Tiến hành cải cách lập pháp và quy định; chia sẻ kết quả thảo luận của Nhóm công tác doanh nghiệp CNTT; xây dựng pháp luật trong tương lai để đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng công nghệ ngày càng phát triển, trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Tăng cường khả năng tiếp cận công lý và các dịch vụ hỗ trợ: Hợp tác tư pháp quốc tế – kết quả của đối thoại giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT và khối tư pháp hình sự; công cụ công nghệ mới để bảo vệ trẻ em trực tuyến; mở rộng cơ chế báo cáo với doanh nghiệp CNTT; và hệ thống ứng phó và hỗ trợ cho nạn nhân là trẻ em sáng tạo, hợp tác và lấy trẻ em làm trung tâm.
Nghiên cứu và phát hiện mới về những giải pháp có tác dụng ngăn chặn rủi ro trực tuyến: Ngăn chặn hành vi tống tiền và quấy rối tình dục; đảm bảo tính đa dạng và hòa nhập trong các sáng kiến phòng ngừa; trang bị kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ hỗ trợ trẻ nhỏ tham gia trực tuyến; giới thiệu công cụ trực tuyến mới để đánh giá tác động của các sáng kiến giáo dục; thiết kế mang tính an toàn – đảm bảo công tác bảo vệ trẻ em trực tuyến được tích hợp vào quá trình số hóa giáo dục.
Tăng cường các giải pháp hợp tác: doanh nghiệp CNTT, chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và xã hội dân sự đã và đang hợp tác để tìm kiếm và triển khai các giải pháp và Diễn đàn cho phép nhấn mạnh thành công và xác định những giải pháp và cơ hội mới.
Tại diễn đàn lần này, ASEAN đã công bố Hướng dẫn hoàn thiện khung luật pháp quốc gia hài hòa và toàn diện để phòng ngừa và ứng phó với mọi hình thức bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến, đảm bảo các nguyên tắc dựa trên bằng chứng (ứng phó với các mối đe dọa cụ thể trong nước, tham vấn trẻ em và thanh thiếu niên tham gia vào quá trình xây dựng luật).
Cùng với đó, cải cách pháp luật phải có tính “đón lõng”, cách diễn đạt trong luật cần phải đủ độ mở và toàn diện, để bảo đảm có thể bao trùm cả các vấn đề mới nổi có thể xảy ra trong những năm sau khi luật được thông qua; tạo mối liên kết với các hoạt động hoàn thiện pháp luật khác liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Hướng dẫn này cũng giới thiệu cách tiếp cận phân cấp/phân loại luật pháp phòng ngừa và ứng phó với mọi hình thức bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến để xem xét các giai đoạn lập pháp khác nhau hiện nay của các quốc gia thành viên ASEAN:
Cấp 1: các quy định toàn diện về nội dung trong luật hình sự và tố tụng hình sự về mọi hình thức bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là chìa khóa để đảm bảo rằng nạn nhân của mọi hình thức bóc lột và xâm hại tình dục trực tuyến là trẻ em được bảo vệ đầy đủ khi họ tham gia vào quá trình tư pháp hình sự.
Cấp 2: các quy định tố tụng hình sự liên quan để bảo vệ nạn nhân và cho phép nạn nhân yêu cầu bồi thường thông qua luật dân sự; nghĩa vụ đối với các doạnh nghiệp CNTT cung cấp sản phẩm, nền tảng và dịch vụ kỹ thuật số.
Cấp 3: các quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực liên quan khác.
Ngoài ra, tại diễn đàn lần này, ASEAN cũng công bố Hướng dẫn của ASEAN về cung cấp các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ cho tất cả nạn nhân là trẻ em và trẻ em tiếp xúc với pháp luật là hậu quả của bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến. Hướng dẫn này giới thiệu các nguyên tắc cung cấp dịch vụ đa ngành và tích hợp; cung cấp dịch vụ dựa trên quyền, nhạy cảm về giới, phù hợp với độ tuổi và toàn diện; tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm; Không phân biệt đối xử; 'Không gây tổn hại'. Ngoài ra, hướng dẫn này còn giới thiệu gói dịch vụ cơ bản tối thiểu bao gồm: quản lý ca; nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội; chăm sóc dựa vào gia đình; cung cấp dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội; Sức khỏe và y tế; Tư pháp và thực thi pháp luật; gỡ bỏ tài liệu xâm hại tình dục trẻ em; Đền bù; giáo dục và dạy nghề; Bảo trợ xã hội.
Đối với người có hành vi phạm tội liên quan đến bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là trẻ em thì cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền trẻ em và hướng tới tái hòa nhập và phục hồi.
Trong phiên thảo luận cuối cùng, các quốc gia đã đưa ra kế hoạch hành động thiết thực và phù hợp với điều kiện từng quốc gia trong thời gian tới, bao gồm cả việc áp dụng thực hiện hai hướng dẫn trên. Các cơ quan chính phủ Việt Nam tham gia sự kiện gồm đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; và Bộ Công an, bên cạnh sự tham gia của đại diện doanh nghiệp CNTT và tổ chức quốc tế.