Theo thống kê, tại vùng ven đô - vùng đệm của thành phố Hà Nội (các huyện vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa cao như: Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai,…) đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào những cây có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại huyện Hoài Đức, do quy hoạch phát triển đô thị, diện tích đất nông nghiệp của huyện còn không nhiều, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm 6,4%. Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Văn Bách tại xã Yên Sở đã sớm chuyển đổi từ trồng lúa sang phát triển cây ăn quả, chăm sóc theo quy trình an toàn cung ứng cho người tiêu dùng. Việc tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình chăm sóc an toàn theo chuẩn VietGAP cũng được địa phương quan tâm, hỗ trợ.
Đại diện đội làm vườn xã Yên Sở cho biết, với diện tích đất canh tác của xã còn rất ít, xã Yên Sở xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao giá trị canh tác cho nông dân. Những nông dân trong xã đã thành lập chi hội làm vườn nhằm liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm. Với 65ha bưởi còn lại là trồng ổi và cây màu khác đã đưa thu nhập của mỗi người dân khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Còn tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức,người dân cũng tận dụng diện tích nông nghiệp còn lại phát triển các mô hình nông sản an toàn gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Vừa đáp ứng nhu cầu nông sản tại chỗ cho người dân, vừa tạo cảnh quan, không gian trải nghiệm sinh thái cho người dân khu vực đô thị.
Đại diện UBND huyện Hoài Đức cho biết, Hoài Đức đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả với diện tích 455ha.; một số loại cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển vùng sản xuất tập trung như: vùng phật thủ, cam Canh, bưởi ở xã Đắc Sở, Yên Sở; vùng sản xuất nhãn chín muộn ở xã An Thượng, Đông La, Song Phượng; vùng bưởi đường tại xã Cát Quế, Đông La.... Cùng với đó, huyện cũng tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất có liên kết tiêu thụ để gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, huyện cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm giải quyết tốt hơn nữa đầu ra cho nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai.
Các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang triển khai nhiều chương trình, đề án khác nhau nhằm thúc đẩy và phát triển nông nghiệp như tại huyện Phúc Thọ, huyện cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Tổng diện tích theo quy hoạch là khoảng 140ha. Đề án đang được huyện tích cực triển khai; huyện Chương Mỹ tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm tại các xã, thị trấn: Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Trần Phú; huyện Mỹ Đức vốn có ưu đãi về danh lam thắng cảnh, di tích lễ hội cũng đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để mang lại giá trị bền vững cho người dân thông qua các hình thức trồng sen, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan (đầm sen xã An Phú), phát triển lụa từ tơ sen.
(TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG HÀ NỘI)