Tham dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, trong năm 2022, khi đề xuất nhiệm vụ học đã có đến hơn 100 ý tưởng khoa học đi qua nhiều vòng khác nhau. Đến nay cũng đã chọn được 13 chủ nhiệm đề tài. Trong đó, gồm có 11 đề tài cấp Bộ và 2 đề tài cấp cơ sở. Điều này cho thấy, càng ngày công tác nghiên cứu khoa học càng được nâng cao về chất lượng cũng như quy trình tuyển chọn kỹ lưỡng, thể hiện sự quan tâm trong công tác nghiên cứu cùng với tính chặt chẽ, chuyên nghiệp trong quy trình xây dựng những nhiệm vụ đề tài.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cũng chỉ rõ, quá trình triển khai nhiệm vụ sẽ có thời hạn 18 tháng, bởi đây là khoảng thời gian tương đối dài so với đề tài khoa học cấp Bộ mà có tính chất ứng dụng cao. Các đề tài năm 2022, các nhiệm vụ đa số có tính chất ứng dụng nên nếu không tổ chức triển khai nhanh, không có kết quả nhanh thì sản phẩm sẽ không sử dụng kịp thời.
Thêm vào đó, đối với quy trình bảo vệ đề tài, tất cả kết quả đề tài mà Viện nghiên cứu Lập pháp yêu cầu đều phải có chuyên đề phục vụ cho Kỳ họp Quốc hội nhằm đúng với tính chất của đề tài ứng dụng Quốc hội. Do vậy, đến khi trình dự án luật cho ý kiến liên quan tới đề tài thì Ban Chủ nhiệm đề tài phải có chuyên đề gửi cho các đại biểu Quốc hội để tham khảo. Điều này có ý nghĩa tốt cho cả cơ quan khoa học và cơ quan nhận những kết quả ứng dụng cho các chủ nhiệm đề tài.
Trước mắt, các đề tài bảo vệ sẽ được công khai đăng lên thư mục trong E-office để cho các cơ quan của Quốc hội sử dụng chung. Do vậy, ngoài đánh giá của Hội đồng bảo vệ chính thức thì còn có đánh giá của tất cả các cơ quan của Quốc hội đối với sản phẩm đề tài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung liên quan đến kiểm tra và yêu cầu liên quan về sản phẩm, đánh giá, nghiệm thu, thanh lý đề tài; quy trình tạm ứng, thanh quyết toán đề tài nghiên cứu khoa học.
Các đại biểu tại Hội nghị cũng cho rằng, nội dung các đề tài đã bám sát các công việc Quốc hội đang triển khai, có tính sáng tạo và tính ứng dụng cao. Một số đại biểu mong rằng, trong quá trình thực hiện đề tài sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lập pháp, đồng thời đề xuất các chủ nhiệm đề tài gặp mặt giữa kỳ để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các chủ nhiệm đề tài cũng cam kết xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí thời gian, bám sát lộ trình thực hiện đề tài.