Sửa luật là “hết sức cần thiết”
Luật Chứng khoán được ban hành lần đầu tiên vào năm 2006, đến năm 2010 thì sửa đổi, bổ sung, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nhờ đó, “thị trường chứng khoán những năm qua phát triển mạnh mẽ và ổn định, góp thêm kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét.
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp |
Ảnh: Quang Khánh |
Tuy vậy, theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay là “hết sức cần thiết” vì 3 lý do. Một là, nội dung một số điều khoản của luật hiện hành chưa đủ rõ ràng và cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng. Cũng có những điều khoản không còn hợp lý, không còn phù hợp trong khi một số vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải thể chế hóa thì luật lại chưa quy định, ví dụ như hiện chưa có quy định về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai là, giữa Luật Chứng khoán hiện hành và một số luật liên quan có sự thiếu thống nhất và đồng bộ do các luật này mới được sửa đổi, bổ sung. Ba là, các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng việc thanh tra, xử lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thẩm quyền.
So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều, trong đó có nhiều điểm mới quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế…
Siết điều kiện chào bán
Một quy định mới ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp là điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng sẽ được chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa.
Đáng chú ý, đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Công ty đại chúng cũng phải đáp ứng điều kiện “có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên”. “Với tiêu chí vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên hiện nay, nhiều công ty đại chúng có quy mô nhỏ, không đủ năng lực và nguồn lực đáp ứng các yêu cầu về quản trị công ty, quản trị thông tin, kiểm toán. Việc sửa đổi này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải giải thích.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: Quy định này có phù hợp không khi doanh nghiệp nước ta chủ yếu nhỏ, siêu nhỏ, quy mô vốn doanh nghiệp trung bình chỉ là 11 tỷ đồng?
“Ngưỡng 30 tỷ đồng là phù hợp với thực tế hiện nay. Các doanh nghiệp yếu đuối mà IPO thì khả năng hấp thụ không cao, nhà đầu tư nào ôm cũng vật vã”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm. Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, điều kiện IPO 10 tỷ đồng được xây dựng từ lâu lắm rồi. “Bây giờ, quy mô thị trường to hơn, lạm phát thay đổi, tới đây chúng ta tiếp tục hội nhập đòi hỏi quy mô thị trường lớn hơn. Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến cáo nên chú ý quản lý doanh nghiệp lớn vì có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, quản lý anh bé quá thì không bõ”, ông Bằng nói.
Theo thuyết minh của ban soạn thảo, cả nước hiện có 1.954 công ty đại chúng, và có 18,4% (tương ứng 360 công ty) không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật, các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành sẽ không bị hủy tư cách ngay cả khi không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. “Như vậy chúng ta sẽ có thị trường 2 quy mô, và điều gì sẽ xảy ra?”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính nêu câu hỏi.
Vai trò Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “chung chiêng, mờ nhạt”
Đây chính là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của các đại biểu trong cuộc họp chiều qua mặc dù dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) không hề sửa đổi nội dung này. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục trực thuộc Bộ Tài chính, giống như luật hiện hành, chỉ bổ sung một số thẩm quyền trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho biết “rất lo ngại” về vai trò “rất thấp” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. “Đặt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính trong thời gian qua và vài năm tới có thể không vấn đề gì. Tuy nhiên Tổ chức Quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO), mà Việt Nam là thành viên, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán phải có vị thế độc lập và có đủ thẩm quyền. Tôi thấy dự thảo Luật chưa bảo đảm được 2 nguyên tắc này. Vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Sở giao dịch Chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán cũng lơ lửng”, ông Dương Quốc Anh nhận xét.
Trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thời kỳ trực thuộc Chính phủ, sau đó mới về Bộ Tài chính - “lúc đó, khách quan mà nói, đã tạo được sự hỗ trợ rất lớn”, bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể. “Chúng tôi đi tạo hàng rất khó khăn, kiến nghị gắn cổ phần hóa doanh nghiệp với thị trường chứng khoán nhưng không ai nghe. Tới khi Ủy ban Chứng khoán về Bộ Tài chính thì Bộ đã sửa Nghị định 187, đưa đấu giá cổ phần của doanh nghiệp vào thị trường chứng khoán, từ đó thu hút được sự quan tâm của dư luận”.
Nhưng cũng theo bà Liên, “giờ chúng ta đã ở tình thế khác”. Thực tế cho thấy có 2 điểm không mong muốn của mô hình hiện tại. Đó là việc ban hành văn bản xử lý các vấn đề phát sinh rất chậm, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý chậm. “Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính nên không được ban hành văn bản pháp quy mà thẩm quyền thanh tra xử lý vi phạm cũng không có nhiều hiệu quả như mong muốn”. Hơn nữa, với quy mô thị trường như bây giờ, với gần 3.000 công ty niêm yết và đại chúng và sự phát triển sau này nữa thì “sẽ có vấn đề”. “Vì hiệu quả quản lý và để tăng cường sự minh bạch và tính đáng tin cậy của thị trường với nhà đầu tư nước ngoài - cái này liên quan nâng hạng thị trường - thì nên để Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Chính phủ”, bà Liên đề xuất.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bây giờ “nếu tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khỏi Bộ Tài chính, đưa về trực thuộc Chính phủ thì tuyệt vời”. Ông “ủng hộ làm tới” vì 3 lý do. Một là, yêu cầu của IOSCO như vậy trong khi vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như dự thảo Luật thì chung chiêng, mờ nhạt. Hai là, giảm bớt được đầu mối trung gian. Ba là, phù hợp với yêu cầu, công việc hiện nay và sắp tới - đây mới là điều quan trọng. “Giờ có nhiều vụ việc xảy ra trên sàn chứng khoán, quy mô thị trường lớn, nếu không có đủ thẩm quyền Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chậm trễ trong xử lý”.