Xem - Nghe - Đọc

Về một bộ phim làm ta khóc

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:49 - Chia sẻ
Có những phim chỉ cần khiến ta òa khóc, và thế nó đã làm tròn phận sự của mình. Chẳng hạn như "Em của thời niên thiếu" - bộ phim vừa được đề cử Oscar - Phim nước ngoài xuất sắc.

Có những bộ phim chẳng hay mấy nhưng vẫn khiến tôi khóc như mưa. Như là "La La Land". Tôi khóc "thủng nồi trôi rế" ở cảnh cuối, nhưng vừa bước ra khỏi rạp là tôi đã nghĩ phim này cũng được, nhưng chẳng hay như ca ngợi.

Nguồn: ITN

Ngược lại, cũng có những bộ phim hay vô cùng, nhưng không thể khiến tôi khóc nổi. Như là phim của Andrei Tarkovsky. Hay tuyệt đỉnh. Nhưng đố ai xem xong, giả dụ, Andrei Rublev, mà khóc (trừ khi là khóc vì vẻ đẹp của điện ảnh, chứ khóc vì nội dung, thì tôi e là không, may ra khóc thét).

"Em của thời niên thiếu" chính là thuộc loại một. Nó không phải là một bộ phim xuất sắc, xem khá được, nhưng chắc chắn làm ta khóc, khóc nấc lên được! Mà mấy phim có Châu Đông Vũ đóng mà trước giờ tôi xem hình như đều thuộc loại này, từ "Chuyện tình cây táo gai" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đến "Chúng ta của sau này". (Hơi tiếc là tôi chưa xem "Thất Nguyệt và An Sinh", bộ phim giúp Châu Đông Vũ trở thành "ảnh hậu" trẻ nhất lịch sử giải Kim Mã). "Chuyện tình cây táo gai", đến khúc Tĩnh Thu ngồi bên giường bệnh người yêu, có là tim sắt thì cũng phải khóc! Hay "Chúng ta của sau này", sau khi xem phim, tôi thậm chí còn mê mẩn xem cái MV mà các fan ruột của phim đã kỳ công ghép cảnh phim với bài "Chiếc dù màu xanh" của Châu Thâm mà phần ca từ vô cùng buồn bã: "Dù màu sắc xanh ngất chân trời, một mình giữa trời vắng lặng cô đơn. Biển người phiêu linh lại cứ đi, dần dần tôi như tan biến...".

Nhưng không vì thế mà tôi đánh giá thấp những bộ phim ấy. Không phải phim nào ra đời cũng để làm phim hay, vén ra một chân lý nào đó hay một vẻ đẹp (hay tội ác) phi phàm nào đó của cuộc sống. Có những phim chỉ cần khiến ta òa khóc, và thế nó đã làm tròn phận sự của mình. Tôi thậm chí rất thích những bộ phim như thế, bởi nó chứng minh rằng, trên thế giới này, vẫn có những thứ chạm được tới tất cả mọi người, khiến mọi người đều xúc động, những chủ đề luôn lấy đi nước mắt, dù tâm hồn bạn làm bằng gì đi nữa. Chẳng phải, điều đó có nghĩa bộ phim đã kể được những thứ thiết thân nhất hay sao (dù có thể không quý giá nhất)?

Nhân đây, nói qua chút về mấy bê bối quanh phim "Em của thời niên thiếu". Trước hết là về nghi vấn đạo từ "Phía sau nghi can X" của Keigo. May quá, tôi đã đọc cuốn này rồi, dù không phải người hâm mộ trinh thám. Và khi xem xong "Em của thời niên thiếu", tôi mới nghe nói có tin đạo Keigo, vậy là tôi tức tốc đi tìm đạo cuốn nào. Tôi khá bàng hoàng vì nó lại đạo từ cuốn tôi đọc rồi, mà tôi không hề cảm thấy thế. Có thể bởi tôi nghĩ, dù có những nút thắt giống nhau, nhưng hai tác phẩm xoay quanh những chủ đề khác, điều chúng muốn nói cũng khác. Chúng sử dụng công cụ giống nhau để nói những thứ không giống nhau. Cho nên nếu nói là đạo, vậy hẳn mọi chuyện tình trên thế gian này đều đạo Romeo và Juliet của Shakespeare. Mà Shakespeare thì đạo từ Pyramus và Thisbe của Ovid.

Còn về nghi án mua giải "tam kim ảnh hậu" của Châu Đông Vũ, tôi không biết đúng sai thế nào. Nhưng, thật sự, tôi có cảm tình với Châu Đông Vũ. Tôi thích vẻ đẹp của cô, vẻ đẹp của một thiếu nữ chưa lớn, một thứ trái cây chưa mọng đỏ và hẵng còn non xanh, vẻ đẹp đúng là "em của thời niên thiếu". Châu cô nương có thể không bằng Châu công tử (hay Châu Tấn), nhưng ta hãy thôi so sánh như vậy được không? Châu Đông Vũ là ảnh hậu của thế hệ mình, và nó là như vậy. Giải thưởng qua mỗi thời đại lại tìm kiếm những điều khác. Giải thưởng cũng có quyền năng tạo nên một ngôi sao, một biểu tượng, và tôi nghĩ nó cũng nên tận dụng quyền lực đó.

Thật vui khi "Em của thời niên thiếu" vừa được đề cử Oscar - Phim nước ngoài xuất sắc!

Hiền Trang