Quan hệ Nga và Israel

Vẫn tốt đẹp dù gió xoay chiều

- Thứ Năm, 08/07/2021, 06:21 - Chia sẻ
Mặc dù cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã diễn ra từ đầu tuần, nhưng ý nghĩa của nó sẽ kéo dài trong thời gian tới. Cụ thể là, mối quan hệ giữa xứ sở Bạch Dương và nhà nước Do Thái vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp cho dù Israel mới thay đổi chính quyền.

Cuộc gặp trong tương lai gần

Trong cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Bennett nhậm chức Thủ tướng vào tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một số vấn đề an ninh, trong đó Thủ tướng Bennett cảm ơn Tổng thống Putin về vai trò của Nga trong việc duy trì ổn định khu vực, cũng như những nỗ lực của nước này đối với việc hỗ trợ trao trả thường dân Israel và hài cốt của binh lính Israel bị giam giữ ở Dải Gaza.

		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Về phía Nga, Tổng thống Putin bày tỏ mong muốn Thủ tướng Bennett thành công trên cương vị mới. Trước đó, Tổng thống Nga đã gửi điện mừng khi ông Bennett được xác nhận là tân Thủ tướng, trong đó thể hiện kỳ vọng Chính phủ mới của Israel sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương toàn diện mang tính xây dựng, đồng thời hợp tác Nga - Israel sẽ giúp tăng cường “hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông”.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo còn trao đổi về kinh nghiệm ứng phó đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khu vực. Ngoài ra, các vấn đề chính của hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế và nhân đạo cũng đã được cả hai xem xét. Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Bennett thậm chí còn nhất trí tổ chức một cuộc họp cùng nhau trong tương lai gần.

Mối liên hệ lịch sử

Không phải đến thời Thủ tướng Bennett, mối quan hệ của Israel với Nga mới nồng ấm. Thủ tướng tiền nhiệm Benjamin Netanyahu, người nắm quyền hơn 12 năm liên tiếp ở Israel, từng nhiều lần gặp mặt Tổng thống Putin, người nắm quyền vào năm 2012, trong suốt các nhiệm kỳ của họ.

Trong cuộc điện đàm đầu tuần, Thủ tướng Bennett bày tỏ đánh giá cao về mối liên hệ lịch sử giữa người dân Nga và người dân Do Thái. Cả hai nhà lãnh đạo cũng đề cập về vai trò của những người nhập cư Nga đến Israel như một “cầu nối giữa các quốc gia”. Thực tế, kể từ khi Liên Xô dỡ bỏ các hạn chế vào năm 1989, hơn một triệu người Nga đã nhập cư vào Israel.

Israel và Nga lâu nay luôn duy trì sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động quân sự của họ ở Syria và Tổng thống Putin thường đóng vai trò là người hòa giải thay mặt cho Israel. Chẳng hạn, một sự cố quốc tế lớn đã xảy ra vào tháng 2 khi một phụ nữ Israel vượt biên sang Syria. Cô đã được trao trả cho Israel thông qua Nga sau hơn một tuần tranh cãi ngoại giao. Người phụ nữ này, không được công bố danh tính, đã bị truy tố với các tội danh, bao gồm cả xuất cảnh trái phép ra khỏi đất nước.

Tháng 1 năm ngoái, ngay trước cuộc bầu cử tháng 3.2020, Thủ tướng Israel lúc đó là ông Netanyahu đã đến Moscow để “hộ tống” cô Naama Isaachar, người Mỹ gốc Israel về nhà, người bị kết án hơn 7 năm trong nhà tù ở Nga vì tội buôn bán ma túy và được trả tự do sau sự ân xá của Tổng thống Putin. Issachar bị bắt ở Moscow từ tháng 4.2019 sau khi bị chặn lại tại sân bay vì có 9,5 gram cần sa trong hành lý ký gửi. Thủ tướng Netanyahu lúc đó nhiều lần nêu vụ án của Issachar với Tổng thống Putin, đề nghị nhà lãnh đạo Nga ân xá, đồng thời cho phép cô trở về Israel. Từng có thời gian, Issachar dường như bị vướng vào trận chiến ngoại giao ba chiều giữa Israel, Nga và Mỹ.

Vào tháng 4.2019, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Netanyahu lúc đó thông báo rằng, thi thể của Zachary Baumel, một binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mất tích từ năm 1982, đã được phát hiện và đưa về Israel để mai táng. Tổng thống Putin khi ấy cho biết, Nga đã hỗ trợ tìm kiếm hài cốt của Baumel và các báo cáo về những nỗ lực khác của Nga nhằm tìm kiếm hài cốt của những người Israel mất tích khác đã được lưu hành kể từ đó.

Các lực lượng Nga đã giúp Tổng thống Syria Bashar Assad chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc của nước này, trong khi Israel thực hiện hàng trăm cuộc không kích trong những năm gần đây ở Syria với mục đích ngăn chặn sự cố thủ của quân đội Iran ở nước này. Theo các nhà quan sát phương Tây, hai quân đội của Nga và Israel được cho là đã vận hành một đường dây liên lạc để ngăn chặn các lực lượng của họ đụng độ ở Syria.

Thực tế, dưới thời Tổng thống Putin, Israel đã tìm thấy “một người bạn” ở xứ sở Bạch Dương. Cả hai cùng chia sẻ những quan ngại về chủ nghĩa khủng bố. Năm 2014, người đứng đầu Điện Kremlin là một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ Chiến dịch Vành đai bảo vệ chống phong trào Hamas của Israel với tuyên bố “Tôi ủng hộ cuộc chiến bảo vệ người dân của Israel”. Trước đó, năm 2005, ông trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên tới Israel, tới thăm Bức tường Than khóc - một địa điểm linh thiêng của người Do Thái, và tới bảo tàng tưởng niệm diệt chủng Yad Vashem.

Năm 2018, quan hệ giữa Israel và Nga trở nên căng thẳng khi lực lượng Syria bắn rơi một máy bay Nga trong một cuộc không kích của Israel vào tỉnh Latakia của Syria, nhưng mối quan hệ của hai quốc gia nhanh chóng phục hồi.

Linh Anh