Xiêm Riệp (Phần cuối)<br><i>Truyện của</i> Ý Nhi

- Thứ Năm, 28/08/2014, 08:45 - Chia sẻ

>> Xiêm Riệp (Phần 1)

Họ ngồi im lặng, chìm mình trong tiếng nhạc, trong vũ điệu uyển chuyển, chậm rãi, huyền hoặc của  những nàng tiên cho đến khi buổi diễn kết thúc. Anh mời chị lên sân khấu cùng các diễn viên để anh xin một bức ảnh kỷ niệm. Anh bảo, ngày mai tôi cũng rời khỏi đây, ta có thể uống cùng nhau một ly cà phê không. Chị đáp, pourquoi pas (tại sao không). Anh quay lại, sao chị biết tôi là người Pháp. Chị cười, vì cách nói tiếng Anh của anh. Do công việc, tôi có nhiều dịp làm việc với các chuyên gia người Pháp bằng tiếng Anh nên rất quen với kiểu phát âm của họ. Anh đáp, giọng chùng xuống, chị chỉ đúng một phần thôi. Cha mẹ tôi người Croatia. Chị bảo, tôi biết một người Croatia rất nổi tiếng tên là Davor Suker. Anh đáp, giọng vẫn tư lự, không hiểu sao cái xứ sở nhỏ bé của tôi lại sinh ra được những con người tài ba đến vậy. Cha mẹ tôi yêu Croatia lắm, họ thường kể cho chúng tôi về bờ biển Adriatic, về thành phố Split, về cung điện Diocletian, về những hòn đảo, về các món ăn… Họ bảo Croatia là nơi đẹp nhất trên thế gian này.Vậy mà họ đã phải ra đi. Cha mẹ tôi sinh tôi ở Pháp. Tôi là một người Pháp, gốc Croatia. Một người sống trên quê hương mình sẽ không hiểu được chữ gốc này là như thế nào. Nó ghê gớm lắm, nó níu giữ linh hồn mình. Có lẽ vì vậy mà tôi yêu những đất nước nhỏ bé, những xứ sở nghèo khó, những mảnh đất chịu nhiều tai ương… Và, dễ gần gũi hơn với cư dân những nơi ấy phải không, chị hỏi, có ý trêu đùa nhưng anh trả lời nghiêm trang, vâng, tôi cũng nghĩ vậy, rồi vẫn mải mê với những suy nghĩ của mình, chậm rãi bước, như quên có người bên cạnh, trên con đường đã thưa thớt khách bộ hành.


Minh họa của Vũ Huyên
Đã đi qua rất nhiều quán cà phê nhưng chị không dám mở lời, sợ phiền anh. Họ cứ đi như thế, im lặng bên cạnh nhau, cho đến khi anh sực tỉnh, xin lỗi chị. Anh nhìn đồng hồ, 23 giờ rồi, để tôi gọi xe đưa chị về. Chị xua tay, khách sạn của tôi ngay kia rồi, đi bộ cũng được. Anh hỏi, mai chị bay chuyến mấy giờ. Chị nhìn người đàn ông, lòng chợt xao xuyến, tôi bay trễ, anh đừng lo. Vẫn còn thời gian cho một ly cà phê đấy. Anh cười, vâng, tôi vô duyên quá, quên cả việc mình muốn làm.

Quán cà phê nhỏ, chỉ còn vài nhóm người ngồi ở góc xa. Anh vừa bước vào đã giơ tay chào một người ngồi bên cửa sổ. Anh quay sang chị, anh ấy là người giúp tôi trong công việc ở đây. Người khách bước lại bắt tay anh, hơi cúi người chào chị rồi hỏi, chị Nina có khỏe không. Anh đáp, khỏe, cô ấy đã sang Bỉ rồi. Người khách cười cười, mới đó mà đã mỗi người một phương trời. Thôi, tôi xin phép, ngồi cả buổi tối ở đây rồi. Hẹn gặp lại.

Anh gọi cà phê đen cho mình và cà phê sữa cho chị rồi quay sang, Nina là vợ cũ của tôi. Hồi trước cô ấy cùng tôi đến đây. Cô ấy cũng yêu nơi này lắm. Nhưng cũng như nhiều phụ nữ, cô ấy cần sự yên ổn mà tôi thì cứ rày đây mai đó, chẳng lúc nào yên. Cô ấy bảo, thời gian phiêu lưu của cô ấy hết rồi. Với tôi, những chuyến đi không phải là những cuộc phiêu lưu. Chắc chẳng ai có thể chia sẻ cuộc sống bất ổn này với tôi. Chị không đáp, lặng nhìn đôi mắt màu xám sẫm trên gương mặt nghiêm trang và có phần mệt mỏi của anh. Hình như đây là lần đầu tiên chị nhìn thẳng vào khuôn mặt này, lạ, nhưng không có cảm giác xa lạ. Thoáng qua trong chị khuôn mặt điển trai, trắng trẻo của Vỹ. Họ uống cạn phần cà phê của mình mà không ai nói gì thêm cho đến lúc chị về khách sạn. Tạm biệt, anh nói. Chị đáp, một ngày thật ngắn, rồi bước vào sảnh khách sạn, không ngoái lại.

Sáng hôm sau chị nhận được từ quầy lễ tân một cuốn sách của anh gửi lại, cuốn The Music of Chance của Paul Auster. Chị đã đọc bản tiếng Việt của Trịnh Lữ, nhan đề Nhạc đời may rủi. Trước đó ít lâu là Trần trụi với văn chương và mới gần đây là Người trong bóng tối của tác giả này, cũng do Trịnh Lữ chuyển ngữ. Chị đã thầm cám ơn ông dịch giả vì sự lựa chọn của ông khi giới thiệu Paul Auster cho độc giả Việt. Cha mẹ là những giáo viên dạy văn tại một trường cấp ba nên nhà chị có một tủ sách văn học khá lớn và chị đọc sách từ rất sớm. Khi cha mẹ mất, mỗi lần chuyển chỗ ở, chị lại lo đem toàn bộ số sách theo đến nơi ở mới. Hồi nhỏ chị vừa đọc sách vừa hình dung về những nhà văn viết nên chúng. Mỗi người mỗi vẻ, ai cũng đẹp, ai cũng khác biệt. Vậy mà khi gặp trực tiếp một nhà thơ chị từng hâm mộ thì mọi việc lại khác hẳn. Trong tiệc cưới của người chú, cha chị bảo, người ngồi đối diện với con là nhà thơ K đấy. Chị nhìn ông, một người gầy nhẳng, tóc cắt ngắn, áo sơ mi màu xám nhạt, đang trò chuyện vui vẻ với người bên cạnh. Chẳng có gì khác thường, cô bé hơi thất vọng. Không biết bố chị đã nói gì với K mà lúc tan tiệc, ông cúi xuống bên chị, cúi rất thấp, ngang tầm với cô bé rồi nói nhỏ, chỉ nên đọc thơ chứ đừng gặp nhà thơ cháu ạ. Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, chị vẫn nhớ đến giọng nói nhỏ nhẹ của ông, lời dặn dò hóm hỉnh của ông.

Bản tiếng Anh The Music of Chance trình bày khá đơn giản, chỉ có mấy vệt màu vàng, đen, nâu, trên nền trắng, tên tác giả và tác phẩm được viết rất nhỏ. Ở trang bìa lót của cuốn sách, chị nhìn thấy dòng chữ: Xiêm Riệp một ngày thật dài. HM (Hậu duệ của Henri Mouhot - người tìm thấy Angkor. Nếu không, sao tôi lại yêu nơi này đến vậy). Đây là lần đầu chị biết tên anh. Hai người không hỏi tên nhau trong những lần gặp gỡ. Chị tự hỏi, anh không biết nghề nghiệp, không biết tuổi tác, không biết nơi ăn chốn ở của chị, vì sao anh lại biết rằng chị thường đọc sách văn học và Paul Auster là một trong những tác giả mà chị yêu thích. Hay đơn giản chỉ vì anh không có cuốn sách nào khác, không có món quà nào khác trong va li của mình, ngoài cuốn sách này. Dù gì thì cũng là một bí ẩn khôn lường, chị chợt nhớ tới mấy chữ Trịnh Lữ dùng để nói về công việc của nhà văn, trong lời giới thiệu tác phẩm Trần trụi với văn chương. Trong cuốn sổ ghi chép của mình, chị đã ghi lại một số câu trong sách của Paul Auster (chị viết tắt PA) như: Ai cũng có một người giống hệt mình ở đâu đó… Bất cứ cái gì chúng ta chạm tới - mọi thứ trên thế gian này đều có màu sắc riêng biệt của chúng… Đồ vật, những vật vô tri, có thể diễn đạt tình cảm của con người… Chạy trốn vào một bộ phim khác với chạy trốn vào một cuốn sách. Sách bắt buộc ta phải có đi có lại với chúng, phải động não, phải tưởng tượng, trong khi ta có thể xem phim - thậm chí thích thú với nó - mà tâm trí vẫn hoàn toàn thụ động… Không có một thực tại duy nhất… không có một thế giới duy nhất mà có nhiều thế giới và chúng tồn tại song hành với nhau, thế giới và phản thế giới, thế giới và bóng thế giới và thế giới nào cũng được mơ hoặc tưởng tượng hoặc viết ra bởi một người nào đó ở một thế giới khác… thế giới kỳ dị này vẫn trôi lăn tiếp tục… Có lần tình cờ nhìn thấy, Vỹ kêu toáng lên, cái gì thế này. Đọc đi đọc lại mà chẳng hiểu chút gì. Chị giằng lấy cuốn sổ, đặt mạnh xuống bàn, chẳng nói chẳng rằng, chợt thấy Vỹ sao mà xa cách. Chị đã vào mạng để tìm đọc về ông. Bức ảnh chị thấy gần gũi nhất là bức PA xòe tay ôm khuôn mặt, vẻ đăm chiêu như đang nhớ tới một điều gì hoặc đang mơ một thế giới nào đó.

Chị về nhà lúc 20 giờ thứ sáu. Nghĩ mình có thêm hai ngày nghỉ, thấy lòng nhẹ nhõm. Sẽ có hai ngày để nhớ lại mọi điều xảy ra trong một ngày. Sẽ có hai ngày chắc chắn chưa gặp Vỹ. Chị chưa có tâm trạng để bắt đầu công việc, bắt đầu những gặp gỡ.

Trong hộp thư, thư phủ đầy màn hình. Chị lướt qua các tên người gửi, thấy có thư của Vỹ, của em gái và một lô những thư thăm hỏi, trao đổi này khác như thường lệ, trong đó có mấy thư của ai đó chuyên gửi các đường link tải nhạc, và dừng lại ở một địa chỉ lạ …@yahoo.fr. Chắc chắn của HM. Chị bắt đầu đọc thư em gái. Không có chi khẩn thiết, chỉ là những thông tin gia đình. Cha mẹ mất sớm, hai chị em vừa đi học vừa đi làm. Sau khi chị tốt nghiệp, muốn em học tiếp thì nó rẽ ngang đi lấy chồng, theo chồng về trồng cà phê trên cao nguyên. Xem báo, xem TV chị thường để ý đến giá cà phê và tất cả những gì liên quan đến cà phê như thời tiết, giống cây, thuốc trừ sâu, phân bón… khiến Vỹ buồn cười, đôi khi bực mình. Em gái thì chỉ nhắc đi nhắc lại chuyện chồng con của bà chị. Rồi, chị bảo, năm nay nhé. Thế rồi hết năm này đến năm khác qua đi, nó đâm chán, chẳng nói nữa. Bức thư này chỉ báo tin sắp có em bé. Nếu chị kể chuyện gặp gỡ ở Xiêm Riệp với nó, nó sẽ phẩy tay, tào lao. Thư của Vỹ viết từ lúc chị còn lang thang trên núi Ku Len: Đến TSN mấy giờ, có cần đón không. Chị mở hết các bức thư, đọc lướt qua nội dung, delete các bức thư gửi đường link tải nhạc (không biết của ai và tại sao lại gửi cho mình) nhưng không mở thư của HM. Thường mỗi khi sắp nghĩ ra một điều gì thú vị, một ý tưởng mới, chị bèn gác lại đó, bỏ đi nơi này nơi khác, làm việc này việc nọ rồi mới quay lại. Cảm giác lúc đó rất lạ, mọi thứ đều phấp phỏng, mơ hồ trong một nỗi vui dường như không nguyên cớ. Chị đóng máy rồi chạy xe đến chỗ cô bạn. Cô ta đang nằm dài trên giường đọc truyện trinh thám, ngồi nhổm dậy, có gì vui à. Nhìn mặt, biết là có hỷ sự. Thế mà, nghe chưa hết chuyện, cô ta đã té tát, dẹp cái trò lãng mạn vớ vẩn của bà đi. Hồi nhỏ thì mê ông Andrei trong phim Chiến tranh và hòa bình, cắt bao nhiêu ảnh của ông ta dán đầy vào vở, bị cô giáo mắng cho. Lớn chút nữa thì mê cha Ralph, đi xem Tiếng chim hót trong bụi mận gai đến bảy lần. Tóm lại, từ hồi tôi quen bà, bà toàn mê người trong phim thôi. Bà bao nhiêu tuổi rồi mà còn ngớ ngẩn vậy. Đàn ông, có dịp tán tỉnh thì họ đâu có bỏ qua, mất gì lời nói. Vài câu vẩn vơ vơ vẩn đã xiêu lòng. Đặt chân xuống đất đi cho con nhờ. Thế mà cũng đòi là nhà tâm lý cơ đấy. Cô ta dừng lại, như để lấy hơi rồi bất chợt tuôn ra lời kết luận, những việc gì gì thì già lụ khụ mà chuyện tình cảm thì như đứa lên ba. Chị chống trả có phần yếu ớt, nhưng đây là người thật, mà có tán tỉnh gì đâu, lại còn đúng như lời thầy phán. Bạn hét lên, quên đi, sai toe sai toét bà ơi. Tếch đi với đám khác từ bảy đời. Rồi vừa tấm tức khóc vừa lôi tay chị, ra phố đi. Tôi đã nghiệm ra ẩm thực có vai trò đặc biệt trong việc giải sầu đó.

Chị về nhà đã hơn 22 giờ. Chị mở túi xách, lấy cuốn sách và CD âm nhạc Khơmer đặt lên giá sách. Mở va li, lấy chiếc lọ gốm mua cho Vỹ đặt lên bàn, cạnh chiếc túi đi làm. Mọi việc được làm một cách cẩn trọng, nhẹ nhàng y như chuẩn bị cho một nghi lễ vậy. Chị mở sách, đọc mấy dòng nhưng đọc đến vài lần mà chữ vẫn không vào đầu. Không lần lữa được nữa, chị quyết định mở hộp thư. Trong hộp thư có một thư mới của Vỹ. Tối đi ăn phở Dần nhé. Thư viết lúc chị và cô bạn đang ăn bún đậu mắm tôm. Bún đậu, mắm tôm. Cả thành phố nhào đi ăn bún đậu, mắm tôm. Phố nào, ngõ nào cũng có bún đậu mắm tôm. Nhà hàng sang, quán nhỏ, quán vỉa hè đều có bún đậu mắm tôm. Người giàu ăn một phần vài trăm ngàn. Kẻ nghèo ăn một suất vài chục ngàn. Nhưng dứt khoát là phải bún đậu mắm tôm. Cô bạn của chị coi trọng mốt. Quần áo, giày dép, đầu tóc, ăn uống đều in fashion. Lúc thì nhao nhao theo thiên hạ đi ăn bún cá rô đồng, khi lại ào ào ăn bánh đa cua, lúc lại rủ rê ăn lẩu nấm… Chị bị lôi vào cuộc một cách thụ động, bị bạn chê, bà cái gì cũng lỗi mốt, cái gì cũng đi sau thiên hạ. Chị viết trả lời Vỹ, còn mệt quá. Đầu tuần đi làm gặp nhé. Có quà Xiêm Riệp đấy.

Thư của HM chỉ vỏn vẹn mấy dòng: Chị biết không, buổi sáng ở đền Bayon tôi đã được một ông thầy ngồi trong ngôi tháp tối om phán rằng tôi sẽ có một ngày tuyệt vời ở Xiêm Riệp. Tôi nghĩ ông thầy thật giỏi. Có dịp trở lại, tôi sẽ đến trả ơn thầy. Anh gửi kèm một tài liệu về người Stieng dài khoảng mươi trang. Bài viết ngắn nhưng đã khái quát khá đầy đủ về lịch sử, điều kiện địa lý, đời sống văn hóa, các tập tục, hiện tình của họ và những yêu cầu cụ thể cho cuộc sống hiện tại… Người Stieng, người Stieng… chị tì cằm trên hai bàn tay xòe rộng ôm lấy khuôn mặt theo thói quen mỗi lần có chuyện cần nghĩ ngợi, vừa lẩm nhẩm mấy tiếng đó vừa cố hình dung khuôn mặt, vóc dáng, giọng nói, tiếng cười của HM nhưng mọi thứ đều mờ nhòe, các đường nét, các âm thanh thoắt hiện, thoắt biến, không sao nắm giữ được. Thôi, đi ngủ. Ngủ là giải pháp tối ưu vào lúc này, chị bật nói, nghe rõ giọng nói run run của mình trong đêm vắng. Khi di chuột đóng máy, chị nhận ra còn một attach file nữa. Chị không hiểu sao mình lại quên phần đính kèm này. Đó là bức ảnh chụp chị trong đêm Apsara. Trong ảnh, bên phải chị là một cô bé mặc váy hồng, chiếc nơ to trên tóc cũng màu hồng, bên trái là cô vũ nữ mặc áo vàng. Cô vũ nữ này có lẽ là nhân vật chính của đêm diễn, cô có tiết mục solo và thường đứng ở vị trí trung tâm trong các điệu múa đông người. Giữa những vũ công áo quần, phấn son rực rỡ và những người hâm mộ đứng chật sân khấu, trông chị có vẻ  đăm chiêu, mắt nhìn thẳng, không cười. Chị nhớ lúc ấy anh mặc áo thun màu nâu, cổ quàng chiếc khăn rằn của người Khơmer, ngồi giữa rất nhiều người đang đưa máy ảnh lên cao. Hình như không lúc nào chiếc khăn rằn rời xa anh, chị nhớ lại. Chiếc khăn tựa như một luồng sáng vừa bật lên soi rọi hình ảnh người đàn ông cao, gầy, mặc áo thun nâu, cổ choàng tấm khăn ca rô đen trắng có khuôn mặt rám nắng luôn phảng phất nét cười hồn hậu và đôi mắt màu xám sẫm ưu tư. Nhưng chị chưa kịp lưu giữ thì hình ảnh đó đã tan biến trong khoảng không của tâm thức, không cách chi níu lại được.

Trong giấc ngủ, chị thấy một người phụ nữ mặc váy áo dân tộc Stieng, đeo rất nhiều vòng chuỗi, ngồi trên một mỏm đá bên sườn đồi thưa thớt cây, hát đi hát lại câu hát ru: ngủ hỡi, ngủ đi để thành người khôn, ngủ hỡi ngủ đi để thành người khôn… Lời ru lúc gần lúc xa, khi rõ ràng khi lả đi trong gió. Chị nghĩ đó là mẹ mình. Chị muốn chạy tới, muốn gọi bà nhưng bà đã lặng lẽ rời xa, trên sườn đồi thưa cây chỉ còn lại mỏm đá chơ vơ và âm điệu lời ru ngân nga dịu dàng khi ngày xuống.