Tâm hồn Nhật Bản trong tranh sơn mài Saeko Ando

- Thứ Ba, 03/12/2013, 08:39 - Chia sẻ
Diễn ra từ 9.11 - 1.12 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản (Hà Nội), triển lãm Nhật Bản trong tôi mang đến người xem những bức tranh sơn mài thể hiện tâm hồn Nhật Bản của họa sỹ Saeko Ando.

Saiko Ando sinh năm 1968 tại tỉnh Aichi, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp ngành triết học phương Đông và nghệ thuật Nhật Bản tại Đại học Waseda, cô trở thành… tiếp viên hàng không của hãng Japan Airlines. Trong suốt thời gian đó, Saeko đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và bị cuốn hút vào nhiều hình thức nghệ thuật mà cô bắt gặp. Trong một lần tham quan Thủ đô Hà Nội, Saeiko bị cuốn hút bởi các bức tranh sơn mài. Sau khi bỏ việc ở Japan Airlines để theo đuổi tình yêu với nghệ thuật, năm 1995, Saeko quyết định đến Việt Nam học vẽ tranh sơn mài đương đại với họa sỹ Trịnh Tuấn, sau đó học chuyên sâu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam với nghệ sỹ Đoàn Chí Trung. Saeko đã học được nhiều kỹ thuật phức tạp kết hợp giữa sơn mài Việt Nam và thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản, như đánh sơn, làm vóc sơn mài (quá trình làm nền tranh), mài tranh và đánh bóng bằng tay... Trong suốt 18 năm theo đuổi niềm đam mê tranh sơn mài, với sự tìm tòi và sáng tạo không ngừng, Saeko Ando đã giới thiệu vẻ đẹp quyến rũ của sơn mài Việt Nam đến với thế giới thông qua các triển lãm, những buổi thuyết trình, hội thảo do cô tổ chức hoặc tham dự. Năm 2000, cô là nghệ sỹ nước ngoài đầu tiên trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Tại triển lãm Nhật Bản trong tôi, Saeko sử dụng chất liệu và kỹ thuật sơn mài Việt Nam nhưng mỗi tác phẩm lại mang đặc trưng tâm hồn Nhật Bản của cô, qua màu sắc, kết cấu và đề tài. Saeko Ando thích vẽ tranh khổ nhỏ, vì với cô, “sáng tác tranh khổ nhỏ hay lớn thì cảm hứng trong nghệ thuật không có gì thay đổi, nếu không muốn nói với tranh khổ nhỏ, cảm hứng trong tôi càng nhiều hơn”. Càng gần với chi tiết trong các tác phẩm của Saeko, người xem bị dẫn dắt vào một thế giới trải rộng xung quanh. Đề tài trong các tác phẩm của Saeko đơn giản, chủ yếu là những con vật hay vật vô tri vô giác, mô tả các khía cạnh trong đời sống tự nhiên mà con người thường không chú ý đến, nhưng mỗi nhân vật lại mang những câu chuyện riêng.

Các nghệ sỹ Nhật Bản thường dùng những màu đơn sắc như đỏ rực hay đen sang trọng, huyền bí. Những đồ vật có đường nét ba chiều mềm mại được phủ bóng sẽ tôn giá trị của các màu trên. Đây cũng chính là màu sắc chủ đạo trong các bức tranh được Saeko giới thiệu ở triển lãm Nhật Bản trong tôi. Bên cạnh đó, màu trắng và khoảng giữa sẽ giúp người xem cảm nhận được những yếu tố khác làm nên câu chuyện của tác phẩm như: không khí, gió, âm thanh hay phong cảnh... - điều mà bút lông không thể đặc tả một cách trọn vẹn. Trong tranh sơn mài của Saeko, những mảng trắng và khoảng giữa được thể hiện một cách hiệu quả, khơi dậy cảm xúc của người xem và làm bức tranh sống động hơn.

Nghệ sỹ Saeko chia sẻ: “Các tác phẩm trong triển lãm Nhật Bản trong tôi được sáng tạo dựa trên thế giới quan và thẩm mỹ của tôi, một người Nhật Bản. Dù sống ở Việt Nam 18 năm, yêu Việt Nam và đã bị đồng hóa nhưng bản sắc của người Nhật Bản trong tôi vẫn không thể nào mất đi”.

Saeko cho rằng tranh sơn mài vốn là một nét đặc trưng riêng của hội họa Việt Nam nhưng hiện không còn nhiều nghệ sỹ lựa chọn chất liệu sơn ta truyền thống mà chủ yếu sử dụng sơn Nhật Bản để sơn nhanh khô, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, điều này không làm toát lên được cái đẹp của sơn ta, vốn là chất liệu độc đáo của hội họa Việt Nam. Vì vậy, với triển lãm Nhật Bản trong tôi, bên cạnh việc giới thiệu những đặc tính Nhật Bản thông qua chất liệu và kỹ thuật sơn mài Việt Nam, họa sỹ Saeko Ando hy vọng sau khi xem tác phẩm của cô, những người yêu thích và quan tâm đến nghệ thuật sơn mài sẽ cảm thấy tò mò và muốn hiểu sâu hơn về kỹ thuật cũng như chất liệu độc đáo sơn ta (Việt Nam). “Đừng để xu hướng thống trị bạn, hãy đối diện với chính mình và tìm về bản sắc của mình, thứ mà một quốc gia không nên đánh mất” - Saeko Ando nói.

Thanh Yến