Sonata miễn phí cho người Việt

- Thứ Hai, 23/11/2009, 00:00 - Chia sẻ
Bài hát Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu chỉ là một phần quá nhỏ trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ. Quả thật, tên ông phải gắn cùng nhạc hòa tấu với chín bản sonata có giá trị, những sonata khuynh hướng cổ điển kết hợp với nguồn gốc âm nhạc dân tộc Việt, chưa kể đến những ca khúc thời tiền chiến Dạ khúc, Nhớ trăng huyền xưa, Bóng chiều...

“Vua” của những bản sonata

Có những người khi nhắc đến tên thì không chỉ giới chuyên môn trong nước kính nể mà với quốc tế, cái tên ấy có thể đại diện cho một thời kỳ, một trường phái nghệ thuật. Một trong số đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ. Có người gọi ông là “ông vua của những bản xônat” hay giản dị hơn “thầy Quỳ xônat”. Nguyễn Văn Quỳ có chín bản sonata (viết cho violin và piano), hai trong số đó đoạt giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (không có giải nhất), bản số 4 (1995) và bản số 8 (2005). Và có đến sáu bản đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm, trong đó bản số 1 (cung sol thứ, viết  năm 1964) được khoa Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đưa vào giáo trình giảng dạy. Bản số 4 được UNICEF tại VN đề nghị tặng cho Hội nghị Bảo vệ Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc.  Bản số 7 được hòa tấu nhiều lần, trong đó có lần được nữ nghệ sĩ violin Isabelle Durin (Dàn nhạc Quốc gia Pháp) và giảng viên piano Trần Ngọc Bích (DN Nhạc viện HN) biểu diễn. Những bản Sonata mang ngôn ngữ quốc tế hòa quyện với tinh thần Việt của Nguyễn Văn Quỳ còn được các đại sứ quán tại Việt Nam sử dụng trong các buổi giao tiếp trọng thể, là cái lý do gặp gỡ thân mật của các nhà ngoại giao hoặc là buổi hòa nhạc nhằm quyên góp từ thiện cho người Việt.

Một người yêu nước trở về từ Pháp

Sinh ra trong một gia đình ở Hà Nội, say mê nhạc dân tộc cổ truyền, tâm hồn thấm đẫm các giai điệu Việt như Hành vân, Lưu thủy, Cổ bản... lại từng học trường dòng, sớm tiếp xúc với âm nhạc hàn lâm, Nguyễn Văn quỳ bộc lộ tư chất âm nhạc ngay từ nhỏ. 

Lớn lên Nguyễn Văn Quỳ học cao đẳng hòa âm tại trường Tổng hợp hàm thụ tại Paris. Thế giới hòa âm giống như một đại dương mênh mông không có bến bờ, nếu không có thiên tư và thiếu sức tưởng tượng cùng với tài năng sáng tạo thì đến với nó chẳng khác gì đến với con số không tròn trĩnh. Nguyễn Văn Quỳ cũng trải qua nhiều giai đoạn tìm tòi. Nhưng cuối cùng ông chọn cách làm nên đột biến của Beethoven làm gương cho sự nghiệp của mình.

Ngày từ Pháp trở về, hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên cứu quốc nội thành, sáng 10.10.1954 nhạc sĩ Nguyễn văn Quỳ đã hân hoan ôm guitar đi đầu đoàn thanh niên sinh viên Hà Nội đón bộ đội về giải phóng thủ đô. Hình ảnh đó còn lưu trong tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nguyễn Văn Kiên và lọt vào ống kính của đạo diễn điện ảnh người Nga, Roman Carmen trong bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi.

Beethoven người Việt...

Chọn nhạc hòa âm là chọn con đường thầm lặng, chọn sống cuộc đời nghèo khó và hiến dâng, nhất là với hoàn cảnh đa số công chúng chưa được đào tạo kỹ năng thẩm âm để cảm thụ được sâu sắc những tác phẩm âm nhạc có tầm vóc, Nguyễn Văn Quỳ cho đến bây giờ đã 86 tuổi vẫn không hề nuối tiếc. Ông sống giản dị trong căn nhà số 13 Nguyễn Quang Bích, Hoàn Kiếm. Bên chiếc piano cũ kỹ đặt dưới bức chân dung L. Beethoven khổ to, Nguyễn Văn Quỳ bằng lòng với cuộc sống của mình. Mắt ông thường sáng lên khi có ai đó trò chuyện về những biến âm, về sự sáng tạo và tính độc đáo trong âm nhạc. Không ít nhạc sĩ người Pháp, người Đức đã tìm đến địa chỉ của ông và nói với ông nhữäng lời cảm thán: “... Với những tác phẩm như thế này, Việt Nam có quyền tự hào...” Có người còn thốt lên: “Thiên tài. Nhạc của Quỳ đã thôi miên tôi, in đậm trong tâm trí tôi, với tôi âm nhạc của anh là một giá trị nghệ thuật lớn”. Có người quá yêu mến đã gọi ông là “Beethoven người Việt”. 

Nguyễn Văn Quỳ đã ba lần được bà Bertile Fournier, giáo sư Nhạc viện Trung tâm Paris, chủ tịch Hiệp hội AN Lily Luskine đồng thời là chủ tịch nhiều cuộc thi nhạc quốc tế tại châu âu mời sang Pháp để giới thiệu những bản sonata của ông. Đã có lần bà thốt lên: “Quỳ thân mến, anh đã tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc đáng kể, nhưng quá khó với nhiều biến âm”.

Sống với thế giới nội tâm thay cho những đòi hỏi vật chất thông thường, nhạc sĩ - nhà giáo Nguyễn Văn Quỳ chưa bao giờ đủ tiền để tổ chức được một buổi thu âm với dàn nhạc. Ngoài các bản tổng phổ đã được DN Đài tiếng nói VN (một trong những DN uy tín nhất cả nước) thu thanh, còn lại ông cất trong ngăn kéo, khi bạn bè quốc tế, những người yêu mến kính trọng âm nhạc Nguyễn Văn Quỳ đến thăm, ông mới giở ra. Không ít người mong ông gửi gắm những tổng phổ đó cho họ. Tác phẩm và tên tuổi của ông cũng đã có trong hội Bảo vệ Tác quyền thế giới (SACEM), nhưng trước khi ký bản giao kèo, ông nói: “Nếu Người Việt Nam sử dụng các tác phẩm này thì không phải trả phí tác quyền”.

Một nhà giáo nghèo...

6 trong 9 bản sonata đã thu âm, khi phát hành đem về cho ông mức nhuận bút cao nhất có  1.500.000 đồng/bản. Riêng bản số 7, ông được nhận 15 triệu đồng từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đó cũng là một tri âm với tài năng. Song, nghĩ mà... ái ngại.

Tất nhiên, ông còn có lương hưu và thỉnh thoảng quỹ âm nhạc Nguyễn Văn Quỳ, do bác sĩ Pierre Moal lập ra ở Pháp có gửi cho ông đôi chút. Lương hưu nhà giáo thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nơi ông công tác 30 năm từ những năm 1960. Ông có công đào tạo các giáo viên âm nhạc cho nhiều trường ở Hà Nội, cũng là người có sáng kiến thành lập khoa âm nhạc cho CĐ Sư phạm Hà Nội, một trường phát huy vị trí đi đầu trong cả nước. Triết lý mỹ học là nền tảng của đạo đức xã hội, tin rằng âm nhạc có khả năng bồi đắp tâm hồn, nâng bước tinh thần đưa con người đến với thế giới của những điều tử tế, Nguyễn Văn Quỳ gây được dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều nhà giáo Việt Nam qua các thời kỳ.

Cho đến hôm nay, câu hát của ông “yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu” vẫn còn nguyên giá trị thời sự, giá trị đạo đức. Nếu không yêu người hẳn khó mà yêu nghề, và ngẫm xa hơn nữa... người ta có thể đặt câu hỏi nghề sư phạm hiện nay được yêu ra sao?

Trần Thị Trường