Những bí ẩn trong tháp Chăm Phú Diên

- Chủ Nhật, 22/07/2007, 00:00 - Chia sẻ
Tháng 4.2001, trong khi đang khai thác quặng Titan dọc theo bãi biển xã Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, người ta bất ngờ phát hiện một khối gạch lớn vùi sâu trong lòng cát. Khảo sát bước đầu, giới chuyên môn khẳng định đây là một tháp Chăm...

      Trong quá trình tu bổ và xây dựng khu di tích, đơn vị thi công phát hiện thêm một nền móng kiến trúc cách tháp chính 2,5m về phía Đông bắc. Tiến hành khai quật mở rộng cho thấy nền móng này bao gồm 2 ô kiến trúc hình chữ nhật, các cạnh không đều nhau. Ô thứ nhất có cạnh 3,11m x 4,31m; Ô thứ 2 có cạnh 5,03m x 7,4m. Giới khảo cổ học nhận định đây là nền móng của ngôi nhà chuẩn bị hành lễ. Phát hiện này giải đáp rằng, tháp Chăm Phú Diên không phải là kiến trúc đơn độc.

      Tháp Chăm cổ nhất
      Nhận thấy công trình không những có giá trị lịch sử- văn hóa, mà sẽ còn cung cấp nhiều tư liệu quý trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Chămpa cũng như văn hóa của vùng đất Thừa Thiên Huế, ngày 29.6.2001, Bộ VH-TT đã có quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Cách mạng TT-Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ. Công việc được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 7-9.2001. Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, tháp có hình chữ nhật hướng Đông-Tây. Mặt bằng lớp dưới cùng của tháp dài 8,22m, rộng 7,12m, càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các phần khác nhau gồm móng, chân tháp, thân và diềm mái. Toàn bộ chiều cao tháp còn lại từ 3,1-3,26m, do tháp bị lún nghiêng. Đế tháp có hình chữ nhật cắt góc, cao 0,29m gồm 4 lớp gạch xây liền khít tạo nền vững chắc cho thân tháp. Chân tháp cao 1,25m, kể cả phần thân và phần vòm cửa giả với nhiều lớp trang trí khác nhau. Thân tháp cao 1,36m. Lòng tháp hình chữ nhật hướng Đông-Tây, dài 3,9m, rộng 3,3m. Giữa có bệ thờ cao 0,73m, trên bệ có Yoni bằng sa thạch. Cách 5m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kỹ thuật mài xếp liền khít cao 1,4m, cạnh dài 1,38m, chính giữa bệ còn một lỗ tròn đường kính 0,19m mà các nhà nghiên cứu nghi rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ. Quá trình khai quật, người ta còn tìm thấy ở đây một số đồ tế tự như hộp gốm, chân đèn… Các họa tiết trên tháp so với các tháp Chăm khác mang tính cách điệu và sơ khai hơn cho các nhà khảo cổ phỏng đoán ban đầu đây là một tháp có từ rất sớm. Phỏng đoán này khớp với kết quả phóng xạ carbon sau đó. Kết quả phóng xạ carbon cho thấy tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VIII, thuộc một trong những tháp Chăm cổ nhất Việt Nam. Giới nghiên cứu nhận định, tháp Chăm này nằm trong phong cách chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai…
      Những câu hỏi thú vị
      Những phát hiện bước đầu tại tháp Chăm Phú Diên cũng khiến các nhà nghiên cứu đối diện những câu hỏi thú vị. Thứ nhất, thông thường các tháp Chăm không bao giờ đứng đơn độc, nhưng tháp Chăm mới phát hiện ở Phú Diên có vẻ như là một tháp đơn. Thứ hai, tại sao tháp không có mái? Bởi nếu từng có mái mà đã bị sụp đổ thì ít ra vật liệu vẫn còn vương vãi quanh đấy, đằng này tịnh không có một dấu vết. Hay là mái của tháp được làm bằng loại vật liệu nhẹ nào khác chứ không phải bằng gạch như tất cả các tháp khác? Nếu đúng thế thì đây là tháp Chăm duy nhất cho đến nay có kiến trúc như vậy. Thứ ba, kinh nghiệm cho thấy tất cả các tháp Chăm ở Việt Nam đều được đặt ở vị trí cao ráo, nền đất tháp đứng chân thường cứng, như đỉnh các ngọn đồi chẳng hạn… Còn tháp Chăm ở Phú Diên lại được đặt trên nền đất rất yếu và thấp, chỉ cao hơn mực nước biển 1,8m. Một câu hỏi nữa cũng không kém phần lý thú đối với giới nghiên cứu là khi lấy mẫu thăm dò, càng đục sâu vào giữa thân tháp thì gạch càng non. Lẽ nào tháp Chăm Phú Diên được nung nguyên khối? Mà nếu được làm theo kỹ thuật ấy thì tại sao phần đáy tháp lại là những lớp gạch hoàn chỉnh?...
      Bảo tồn, tôn tạo
      Vấn đề lớn nhất và cấp thời nhất được đặt ra là làm sao để bảo tồn ngọn tháp. Bởi lẽ khi được khai quật, tháp đã ở trong tình trạng nghiêng lún, nứt gãy rất nặng. Độ liên kết của gạch đã rất kém, cường độ chịu lực của gạch thấp, bề mặt đã mủn mục và quá trình này càng diễn ra nhanh hơn sau khi tháp được khai lộ giữa nắng gió. Sau khi cân nhắc, phương án giữ nguyên tháp tại chỗ, gia cường chống lún sụp, chống cát lấp cát trượt, tạo không gian, hệ thống hạ tầng cơ sở cho bảo tồn di tích đã được chọn. Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (Phân viện KHCNXDMT) thuộc Viện KHCNXD, Bộ Xây dựng là đơn vị thực hiện dự án. Công việc quan trọng và có tính quyết định trước tiên là kê kích tạo lại độ cân bằng cho tháp, đồng thời gia cường nền móng để tháp ổn định. Làm thế nào để đưa một ngôi tháp với kích thước không nhỏ, lại đang trong giai đoạn rệu rã, đứng trên một nền đất với tầng ổn định chỉ 1,2m-1,5m, 14m tiếp theo là tầng đất nhão, rất yếu, trở lại thế cần bằng? Sau nhiều ngày trăn trở, kỹ sư- Phó Giám đốc Lê Văn Quảng quyết định áp dụng giải pháp kê kích. Đầu tiên, ông cho đúc luồn một bản bêtông dưới đáy tháp, rồi đóng cọc cừ, đúc bêtông thế. Kích đến đâu đặt bảng kê đến đấy, kết hợp dùng hệ dầm thép liên kết dưới đáy tháp để tiến hành kích đều, khoan phun bêtông gia cường nền cho đến khi đạt yêu cầu… Công việc này được tiến hành ròng rã trong hơn một tháng.
      Một công việc khác cũng quan trọng không kém là gia cường thân tháp. Với một tháp cổ đã trải qua trên một ngàn mấy trăm năm tuổi, các lớp gạch đều đang bị rệu rã, mủn mục theo thời gian, đó là một việc không đơn giản. Công việc được đích thân Giám đốc Trần Minh Đức đảm trách. Ông đã nghiên cứu, chọn lựa một loại hóa chất không độc hại và có khả năng đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Hóa chất không chỉ được phun để gia cường, bảo quản bề mặt tháp mà còn được cho thấm nhập vào bên trong khối xây qua kỹ thuật khoan lỗ và bơm thấm. Tiếp đó, tháp được làm nhà kính để bao che, làm tường chắn cát và các cơ sở hạ tầng khác cho khu bảo tồn như nhà bảo vệ, hệ thống điện, nước, đường-bãi đỗ xe, đường dạo... Toàn bộ công trình tu bổ, tôn tạo tháp đã hoàn tất và khánh thành tháng 5 vừa qua. 
      Việc phát hiện, tôn tạo tháp Chăm Phú Diên đã tạo thêm một điểm nhấn văn hóa cho dải đất ven biển của Thừa Thiên Huế. Nó không chỉ trở thành điểm tham quan, thưởng ngoạn của dân chúng trong vùng mà còn được nhiều người “đề cử” như là một địa chỉ quan trọng của tour du lịch đầm phá Thừa Thiên Huế.

Diên Thống