Nghệ sỹ An Như Sơn và những ngày làm điện ảnh cách mạng

- Thứ Bảy, 01/09/2012, 09:49 - Chia sẻ
Nghệ sỹ lão thành An Như Sơn được biết đến là người đi theo quay phim tư liệu trong suốt thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh công tác tại 11 nước XHCN anh em. 65 năm tham gia cách mạng, đến nay đã ngoài 80, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu tiên đến với cách mạng vẫn còn in đậm trong tâm trí nghệ sỹ lão thành.

Ngày 15.10.1947, đơn vị nhiếp ảnh đầu tiên thuộc cách mạng miền Nam Việt Nam được thành lập, gọi là tổ nhiếp điện ảnh khu 8, trực thuộc Phòng chính trị Bộ Tư lệnh khu 8. Đầu năm 1948, khoảng 3 tháng sau khi tổ nhiếp ảnh thành lập, nghệ sỹ An Như Sơn mới tham gia. Hồi đó ông hoạt động ở Sài Gòn, bị lộ rồi bị bắt, tra tấn tàn ác. Sau khi được tổ chức cứu thoát, ông đã liên lạc với cố đạo diễn Khương Mễ qua một người quen để tìm đường ra chiến khu. Ông kể: “Tôi không tiếp tục ở đây hoạt động được nữa vì tình báo, gián điệp theo dõi sát quá, nên tìm đường ra chiến khu. Anh Mễ nhận lời đưa tôi ra chiến khu ngay chiều hôm sau. Đêm đó, hai anh em tôi cùng ở căn phòng bí mật bên trong sân đá banh số 9 đường Huyền Trân Công Chúa để in tráng bộ phim tài liệu Trận Mộc Hóa lịch sử”.

Phía bên trong sân đá banh có một dãy phòng nhỏ, thông thường là nơi để dụng cụ vệ sinh như cây lau, chổi, xô chậu... Đây cũng là nơi mà nhà quay phim Khương Mễ bí mật “hoạt động nghiệp vụ” in tráng những thước phim tư liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng miền Nam Việt Nam. Đêm đó hai nghệ sỹ An Như Sơn và Khương Mễ cùng nhau tráng hơn 30 thước phim, loại 16 ly, phim chụp hình. Thời đó, tráng phim phải dùng loại lưỡng tính, cùng với 5 loại thuốc mới cho ra được hình ảnh trung thực, thành ra chỉ có duy nhất một bản. Bản phim đó của bộ phim Trận Mộc Hóa sau này được đem đi chiếu ở vùng kháng chiến. Một điều ít biết là những thước phim thời đó thường được tráng bằng... nước đá để giữ cho màu tươi và thật. Ở Sài Gòn, nhà quay phim Khương Mễ lãnh nhiệm vụ dùng nước đá tráng phim, còn ở chiến khu, công việc này thuộc về nhà quay phim Nguyễn Đảnh, thỉnh thoảng tìm cách ra ngoại thành mua nước đá.

Sáng hôm sau, trong khi nhà quay phim An Như Sơn đang phơi phim bên trong sân bóng, nghệ sỹ Khương Mễ đi ra ngoài mua đồ ăn thì bắt gặp hai viên cảnh sát Pháp tiến vào hỏi mượn chổi và vôi để quét xóa những khẩu hiệu đả đảo đế quốc Pháp trên tường bên ngoài. Ông nhớ lại: “Tôi ở trong mà tái mét mặt mày, vì mới bị bắt xong, nếu bị lộ vô cùng nguy hiểm”. Tuy nhiên, nhà quay phim Khương Mễ khéo léo đánh lạc hướng hai viên cảnh sát, kéo cả hai ra ngoài. Sau khi thoát hiểm, cả hai quyết định lên đường ra căn cứ ngay lập tức, thậm chí bỏ luôn mua đồ ăn. Cả hai theo một xe tải chở hàng đi ra căn cứ, ngồi lẫn giữa các giỏ hàng...


Cảnh trong phim Cô Nhíp do nghệ sỹ An Như Sơn trực tiếp chỉ đạo thực hiện

Nghệ sỹ lão thành An Như Sơn trầm ngâm: “9 năm làm điện ảnh kháng chiến giống như một bệ phóng để tôi phát triển sự nghiệp. Sau này ra Bắc, điều kiện phương tiện máy móc cũng khác nhiều. Tôi được phân cho một cái máy mới của Liên Xô, đi quay đến năm 1957 thì được Bác Hồ chọn đi cùng với Bác trong chuyến công tác 11 nước XHCN”. Hiện nay cuốn phim tài liệu này vẫn đang được giữ tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Trong giới điện ảnh, chỉ 3 nhà quay phim, gồm Nguyễn Thế Đoàn, Phan Trọng Quỳ và An Như Sơn là có thời gian đi quay hình tư liệu về Bác lâu nhất. Hiện nay các ông Nguyễn Thế Đoàn và Phan Trọng Quỳ đều đã qua đời.

Nói về làm phim thời nay, nghệ sỹ lão thành chia sẻ: “So với bây giờ, thấy anh em làm điện ảnh sướng quá, hiện đại quá... So với thế giới thì đương nhiên là chưa thể bằng, nhưng nếu so với hồi kháng chiến thì đã là một trời một vực, cả về điều kiện làm việc lẫn thiết bị máy móc, kỹ thuật, tài liệu... Nếu như anh em bây giờ không phát huy được là có tội với Tổ quốc... Trí tuệ người Việt mình không thua ai cả, mình chỉ kém họ về máy móc, kỹ thuật, nhưng chính vì thế lại càng phải vươn lên để cho bằng họ. Lớp trẻ ngày nay có cái được là chịu khó tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, không lùi bước, có người dám bán cả gia tài để làm phim. Vì thế, tôi rất tin tưởng vào các nhà làm phim trẻ ngày nay”.

Đông Quỳnh