Lặng lẽ cháy hết mình cho nghệ thuật

- Thứ Ba, 14/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nghị lực ở đâu và tình yêu nào đã giữ chân Hương Hạnh ở lại gắn bó với Đoàn kịch Hải Phòng đến tận hôm nay để trở thành một gương mặt nghệ sỹ không thể thiếu được của đoàn?

05-Lang-le-34810-300.jpg

Bài viết này muốn nhắc đến một gương mặt thuộc thế hệ thứ ba của Đoàn kịch Hải Phòng: nữ nghệ sỹ Hương Hạnh.

 Ngồi trước mặt tôi là một người phụ nữ dung dị, trẻ hơn tuổi thực của mình. Không son phấn, không chải chuốt cầu kỳ - chị khiến người mới gặp lần đầu ngỡ chị là một cô giáo. Tôi ngạc nhiên khi được biết con trai lớn của chị 5 năm nay đã là một sỹ quan cảnh sát hình sự. Hiện nay đang công tác tại công an quận Đồ Sơn. Chị cười nhẹ và giải thích: “Vì em lấy chồng sớm mà.”

Hương Hạnh là nghệ danh của Phạm Thị Hạnh. Sinh trưởng trong một gia đình thuần phác - mẹ là công nhân hợp tác xã Lửa Hồng - cha là bộ đội. Hưong Hạnh sớm mồ côi cha khi ông hy sinh trên đường hành quân tiếp viện cho chiến trường miền Nam, ngay từ những ngày đầu chống Mỹ.

Mẹ chị lúc đó còn rất trẻ đẹp, đã ở vậy, một mình tần tảo nuôi các con khôn lớn và báo hiếu mẹ già. Hoàn cảnh và nếp sống gia đình có lẽ đã góp phần làm nên vóc dáng và tính cách của Hương Hạnh. Mọi người nhận xét, chị có nhiều nét rất giống người mẹ hiền lành nhẫn nhịn của mình. Phải chăng đó cũng là vốn sống thực tế gần gũi để chị thể hiện thành công những nhân vật đầy ắp nội tâm?

1978, Hương Hạnh trúng tuyển khóa đào tạo diễn viên kịch nói đầu tiên của trường trung học Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng, cùng với Huyền Thanh, là hai người ít tuổi nhất lớp. Năm ấy, cô bé mười bảy tuổi Phạm Thị Hạnh còn chưa hình dung được con đường mình bắt đầu đặt chân vào, rồi đây đối với cô sẽ nhiều chông gai như thế nào.

Thời gian ấy, trường VHNT nằm ở khu vực Cát Bi. Hơn ba mươi năm về trước, nơi ấy còn hoang vu hiu hắt lắm. Học sinh phải ở nội trú dù gia đình có ở ngay cạnh đấy, thứ bảy, chủ nhật mới được về với mẹ. Đêm nằm nghe côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái kêu ì ộp trong những ao chuôm quanh ký túc xá, cô gái tuổi chảy nước mắt quay quắt nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ cậu em út bé bỏng mà cô rất yêu quý.

 Nhưng niềm đam mê còn rất ngây thơ với sân khấu đã giữ chân cô ở lại với trường với lớp dù đã hơn một lần bà ngoại thương cháu, giục mẹ cô đón Hạnh về, không học hành gì nữa kẻo “khổ thân con bé”.

Nghe chị kể lại qua nụ cười buồn và những giọt nước mắt về ngày đầu tiên nhập học, về những đoạn trường sau này vài ba lần phải tạm xa sân khấu vì hoàn cảnh gia đình, tôi tự hỏi nghị lực ở đâu và tình yêu nào đã giữ chân Hương Hạnh ở lại gắn bó với Đoàn kịch Hải Phòng đến tận hôm nay để trở thành một gương mặt nghệ sỹ không thể thiếu được của đoàn.

Sáu năm sau khi ra trường, Hương Hạnh lần đầu tiên ra mắt công chúng vai Thùy Liên rất ấn tượng trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Trước đó Hương Hạnh đã xuất hiện trong một số vở khác của đoàn nhưng phải đến nhân vật Thùy Liên ở vở diễn này, được sự dạy dỗ trực tiếp của đạo diễn bậc thầy Nguyễn Đình Nghi và sự giúp đỡ của những nghệ sỹ đi trước, Thùy Liên của Hương Hạnh đã chiếm được cảm tình của khán giả với lối diễn chân thực, mô tả thành công hai tính cách song hành của một Thùy Liên, khi ở đời thường với đủ cung bậc hỉ nộ ai lạc, khi là người máy, được sinh ra từ mơ ước không tưởng của nhà khoa học. Hương Hạnh đã thể hiện xuất sắc “Thùy Liên người máy” ở cả góc độ một cô gái ngây thơ thánh thiện và thuần khiết. Hoa cúc xanh trên đầm lầy về diễn ở Hà Nội được bạn nghề và khán giả đón nhận, mừng cho đoàn kịch đất Cảng đã có lớp kế tục xứng đáng.

1988 - Vụ án 2000 ngày (tác giả Lưu QuangVũ, đạo diễn Ngọc Thủy), vở diễn gắn với kỷ niệm đau thương của gia đình tác giả, cũng là vở diễn mà Hương Hạnh một lần nữa đã thể hiện thành công vai cô giáo Thu Phương, người yêu của Luân, nhân vật bị hàm oan.

Được khán giả nhớ qua những vai diễn gần gũi với chị, ít ai nghĩ rằng Hương Hạnh lại có thể vào những vai tính cách đáo để nanh nọc. Mọi người ngạc nhiên khi nghe tin đạo diễn Lê Hùng chọn Hương Hạnh vào vai cô Nụ tráo trở, tham lam, lăng loàn trong Tình hận (tác giả Nguyễn Khắc Phục). Thành công trong vai diễn này ở Hội diễn miền duyên hải phía Bắc năm 1993, cùng với huy chương vàng, Hương Hạnh còn “ẵm” luôn giải nữ diễn viên tài sắc nhất Hội diễn.

1996 trong vở diễn gây nhiều tranh cãi trái chiều tại Hội diễn miền duyên hải tiếp theo, Hương Hạnh lại nhận huy chương vàng cho vai diễn cô Sậu hoang dã trong Yêu trên đỉnh Phù Vân (tác giả Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn Lê Hùng)

Huy chương bạc vai bà mẹ Mỹ trong Linh hồn Việt Cộng (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn Lê Hùng) tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 2009 và hiện nay chị đang trong quá trình hoàn thiện vai vợ trung tá Mạnh (Người thi hành án tử, tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Lê Hải) - chứng tỏ Hương Hạnh luôn được đạo diễn tin tưởng giao những vai khó thể hiện.

Trong những kỳ xét phong tặng danh hiệu NSƯT gần đây, Hương Hạnh không được thông qua khi thời gian công tác của chị không liên tục do gặp bất hạnh trong cuộc sống gia đình. âu cũng là số phận... Tiếc là danh hiệu cao quý ấy, bằng vào phẩm chất và những vai diễn, Hương Hạnh rất xứng đáng được vinh danh.

Chị kể với tôi, trong chuyến lưu diễn dài ngày những năm 90 của thế kỷ trước tại các tỉnh phía Nam bằng vở diễn nổi tiếng Vụ án 2000 ngày của cố tác giả Lưu quang Vũ, với tình yêu người cha liệt sỹ đã hy sinh, Hương Hạnh đã thầm cầu mong, cha chị chỉ bị mất tích trong chiến tranh. Qua báo chí quảng bá cho vở diễn, chị cầu trời khấn Phật cho mình một ngày bất ngờ được gặp lại cha ở vùng đất phương Nam... Mơ ước chỉ là mơ ước, nhưng dưới suối vàng có lẽ cha chị đã phù hộ con gái mình. Sau nhiều trắc trở trong cuộc sống riêng tư, giờ đây, chị đã có một gia đình hạnh phúc bên cạnh người đàn ông hiểu mình và ba cậu con ngoan.

 Ngoài trời vẫn lắc rắc mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa thu. Hương Hạnh chuẩn bị đi biểu diễn. Chia tay chị, tôi chúc chị tiếp tục sáng tạo và vững vàng trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống.

NSƯT Ngọc Hiền