Văn học trinh thám Việt Nam - Đánh thức thuở vàng son

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:59 - Chia sẻ
Xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX, truyện trinh thám đã để lại dấu ấn lớn trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Nhận diện về thành tựu, giới hạn và hướng phát triển của thể loại này là bước đi quan trọng trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy sự đa dạng của văn học Việt Nam hiện đại.

Bài 1: Từng nấc thăng trầm

Từng là món ăn tinh thần nhưng suốt thời gian dài bỗng chững lại, đánh mất vị thế, rồi chìm lắng với lác đác vài tên tuổi trên văn đàn... Toàn bộ quá trình đó cho thấy tiềm năng cũng như bộc lộ điểm yếu của văn học trinh thám Việt Nam. 

	Series Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng đến nay vẫn được độc giả đón nhận
Series Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng đến nay vẫn được độc giả đón nhận

Hào quang quá khứ

Trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại, thể loại trinh thám xuất hiện khá sớm, ngay đầu thế kỷ XX và hưng thịnh nhất vào những năm 1930 - 1945. Hai tên tuổi nổ “phát súng” vang dội, đánh dấu sự phát triển của dòng văn học này là Thế Lữ và Phạm Cao Củng. Thế Lữ với tập truyện đầu tay Vàng và máu (1934) là người có công mở đầu thể loại trinh thám ở miền Bắc. Tác phẩm mau chóng trở thành “hiện tượng lạ” bởi lối kể chuyện hấp dẫn, cốt truyện gay cấn, tình tiết ly kỳ, giọng văn thanh thoát, ngôn ngữ tự nhiên, giàu cảm xúc. Sau này, ông tiếp tục trình làng tác phẩm khác, đặc biệt là series truyện về thám tử Lê Phong: Lê Phong phóng viên (1937), Những nét chữ, Lê Phong và Mai Hương, Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940)… có sức hút lớn với công chúng đương thời.

Trong khi đó, ở miền Nam, Phạm Cao Củng cũng khẳng định tên tuổi. Được mệnh danh là “vua trinh thám Việt Nam”, ông góp phần phổ biến rộng rãi dòng văn học này với nhiều tác phẩm đặc sắc, đặc biệt là series Thám tử Kỳ Phát, gồm 5 cuốn: Vết tay trên trần (1936); Chiếc tất nhuộm bùn (1938); Nhà sư thọt (1941); Kỳ Phát giết người (1941); Đám cưới Kỳ Phát (1942), đến nay vẫn chinh phục đông đảo độc giả. Các trước tác của Phạm Cao Củng được đánh giá cao, bởi tính sáng tạo trên nền câu chuyện thấm đẫm đời sống, tính cách người Việt.

Tiếp đến, văn đàn liên tục đón nhận loạt tác phẩm trinh thám nổi tiếng của những tác giả khác, như Bùi Huy Phồn, Lê Văn Trương... Theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, với lực lượng sáng tác đông đảo, số lượng tác phẩm gia tăng, giai đoạn này là “mùa vàng” của truyện trinh thám Việt Nam. Nó khẳng định thành tựu rực rỡ trên cả bình diện chủ đề, tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Nó cho thấy sự vượt thoát khỏi mô hình truyện võ hiệp, công án Trung Quốc cũng như thể loại trinh thám phương Tây, dựng nên “lãnh địa” riêng của văn chương trinh thám của người Việt.

Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, từ 1945, văn học trinh thám rơi vào đứt gãy…

Loay hoay tìm hướng

Mặc dù vẫn gây được tiếng vang như sự xuất hiện của Những ngã tư và những cột đèn (1966) của Trần Dần, X30 phá lưới (1975) của Đặng Thanh, Ván bài lật ngửa (1986, viết lại từ kịch bản phim) của Nguyễn Trường Thiên Lý, Ông cố vấn (1987) của Hữu Mai, Vị tướng tình báo và hai bà vợ (1994) của Đặng Trần Thiết... nhưng giới phê bình đánh giá, đấy chỉ là nỗ lực cá nhân, không cứu vãn nổi sự lạc lõng, nhạt nhòa của một dòng văn học đã đánh mất vị thế.

Đỉnh cao của văn học trinh thám Việt Nam đạt được khi tác giả thời đó biết cách sử dụng lối viết giàu hình ảnh, hút người đọc bằng những tạo hình nhân vật mới mẻ, phong trần. Lối viết dưới dạng truyện điều tra giống với nước ngoài phần lớn ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, bối cảnh đời sống, văn hóa, xã hội của Việt Nam rất khác biệt, do đó không thể áp đặt, sử dụng những chi tiết của văn học phương Tây mãi được. Kết quả là các cây viết mặc dù luôn muốn hướng tới một dòng văn đậm chất bản địa, đậm chất Việt, nhưng vẫn loay hoay tìm hướng giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, thể loại trinh thám khó viết hơn so với thể loại khác. Bởi nó đòi hỏi người cầm bút không chỉ giỏi trí tưởng tượng, tài hư cấu, kể chuyện, mà còn am tường các mặt đời sống, nắm bắt kiến thức khoa học trên nhiều lĩnh vực, đồng thời phải thuần thục thao tác phán đoán, phân tích, lập luận. Nói cách khác, để ra đời tác phẩm trinh thám hay, phải đầu tư nghề rất cao mới có thể chiều lòng độc giả - ở thể loại này - vốn khó tính. Nói như PGS. TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội: “Độc giả của truyện trinh thám cần những tác phẩm kích thích trí tưởng tượng, tư duy logic, suy luận, thay vì khiến họ nhàm chán hoặc rối trí, hoặc không hiểu gì. Nếu không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng, thiếu đột phá, thì dòng trinh thám Việt sẽ phải đợi rất lâu nữa mới phát triển được.”

Trong khi văn học trinh thám Việt Nam tụt đỉnh thì thị trường không hề mất không khí sôi nổi, “nhờ” hàng loạt tác phẩm đoạt giải, tác phẩm ăn khách dịch từ tiếng nước ngoài. Mặc dù vẫn còn vấn đề liên quan đến chọn lọc tác giả, tác phẩm, dịch thuật… song truyện trinh thám ngoại nhập đã tác động không nhỏ đến dòng văn học này ở trong nước. Trong nhiều thập kỷ, truyện trinh thám dịch từ các nền văn học có truyền thống như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc... đã bành trướng, thống trị thị trường, khiến trinh thám Việt Nam “lép vế” ngay trên sân nhà, bất kể lịch sử văn học đã chứng tỏ tác giả Việt hoàn toàn có thể tạo dựng được dòng chảy trinh thám của riêng mình.

Nhưng bức tranh văn học trinh thám Việt Nam đương đại không phải không có những gam màu sáng. Vài năm gần đây, nhiều cây viết đang nỗ lực làm tươi mới văn học trinh thám Việt - mảnh đất còn nhiều khoảng trống để khai thác, và đương nhiên, cũng phải đối mặt rất nhiều thử thách nhọc nhằn.

Hải Đường