70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024)

Truy kích địch ở Nậm Hu, kiềm chế địch tại Hồng Cúm

- Thứ Năm, 25/04/2024, 07:41 - Chia sẻ

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng (sinh năm 1928), nguyên Chính trị viên Đại đội sơn pháo 756, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675, Đại đoàn công pháo 351, vẫn nhớ những ngày cùng đồng đội vượt núi, băng rừng, đặc biệt là câu chuyện truy kích địch ở phòng tuyến sông Nậm Hu (Nam Ou, Lào), kiềm chế địch tại Hồng Cúm.

Giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng

Truy kích địch ở Nậm Hu, kiềm chế địch tại Hồng Cúm -0

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng nhớ lại, đầu năm 1954 (gần Tết Giáp Ngọ), ông được điều lên tham gia chiến đấu ở mặt trận Điên Biên Phủ với chức vụ Chính trị viên Đại đội sơn pháo 756, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675 (thuộc Đại đoàn công pháo 351). Đây là trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại Cao Bằng ngày 20.11.1950. Trung đoàn 675 được giao nhiệm vụ phối hợp với các đại đội pháo của Đại đoàn 308 và 312, tổ chức thành các cụm pháo, bố trí ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công đột phá khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

"Sáng 26.1.1954, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho trận đánh quyết định. Trên (Bộ Chỉ huy chiến dịch - PV) nói trận này sẽ tiến hành trong 2 ngày 3 đêm nên lương thực không cần nhiều, chúng tôi nghĩ cứ quyết tâm đánh thắng sẽ có lương thực của địch bổ sung. Không ai biết trận đánh sẽ khốc liệt ra sao nhưng tôi thấy tất cả đều nôn nóng và hào hứng, mong muốn tiến công địch. Ém quân tại các bìa rừng, các đơn vị chỉ chờ lệnh là xông lên. Tuy nhiên, chờ đến khoảng 10h vẫn chưa thấy lệnh đánh, khắp các đơn vị đều rất lo lắng, sợ nhất là không đủ thời gian tiêu diệt đồn địch. Đúng lúc đó, chúng tôi nhận được lệnh rút quân, chuyển phương án đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc", Đại tá Nguyễn Hữu Hùng kể.

Đổi sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc", thời gian chiến dịch sẽ buộc phải kéo dài thêm, khó khăn chồng chất và ác liệt hơn, mọi công tác chuẩn bị chiến trường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, kế hoạch tác chiến và hiệp đồng trên toàn mặt trận phải xây dựng lại. "Sự thay đổi này đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý cán bộ và chiến sĩ, đặc biệt là băn khoăn về cách đánh mới của chiến dịch, tư tưởng ngại hy sinh, gian khổ, nhất là mùa mưa đang tới gần... Những vướng mắc đó nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến ý chí quyết chiến, quyết thắng, làm suy giảm sức mạnh chính trị tinh thần của bộ đội".

Về tới điểm tập kết, ngay trong ngày hôm đó, đơn vị nhận lệnh cùng Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) mở chiến dịch Thượng Lào theo phương châm tác chiến mới. Con đường hành quân sang Lào phải vượt đồi, vượt núi rất gian khổ, anh em có hiện tượng nản chí. Chính trị viên phải thường xuyên để ý, tiếp cận, trực tiếp trao đổi, động viên chiến sĩ. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng kể: "mối lo lớn nhất bấy giờ là ảnh hưởng đến tư tưởng của những thành viên trong đoàn; những ngày đầu hành quân, khi phát hiện một cậu lính trẻ trong đơn vị có biểu hiện chán nản, tụt lại phía sau, tôi đã tới khuyên nhủ, phân tích về những nguy hiểm của nạn phỉ dọc đường nếu ở lại. Tôi chủ động xin khoác ba lô và súng để cậu ấy di chuyển dễ dàng hơn. Sau khi hiểu tình hình và nhiệm vụ, cậu lính lại cùng chúng tôi tiếp tục vào mặt trận...".  

Đánh lạc hướng, vây ép, cô lập địch

Mở chiến dịch Thượng Lào, Bộ Tổng Tư lệnh nhằm đến mục tiêu thu hút địch tại phòng tuyến sông Nậm Hu, phá vỡ hành lang bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nghi binh, phân tán lực lượng cơ động chiến lược của thực dân Pháp, cô lập chúng tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia chiến dịch đưa lực lượng, phương tiện trở lại khu vực tập kết an toàn, chuẩn bị mọi mặt thực hiện phương châm tác chiến mới.

Mặc dù quân địch có hỏa lực mạnh, bố trí phòng ngự trong công sự kiên cố, vững chắc, nhưng khi biết Đại đoàn 308 sử dụng toàn bộ lực lượng để tiến công, một số bộ phận quân địch đã hoang mang, rút chạy. Điều này đã thu hút được sự quan tâm, chú ý mạnh mẽ của toàn bộ quân Pháp trên chiến trường hướng về Thượng Lào; theo Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch, Đại đoàn 308 đã hiệp đồng chặt chẽ trên từng hướng, mũi, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật. Các đơn vị còn cố tình để lộ một số chi tiết để địch biết là ta đang cơ động lực lượng sang Lào để thu hút sự chú ý của chúng trên chiến trường. Chính vì thế, sau 3 ngày cơ động lực lượng (từ 26 - 29.1.1954), Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương thông báo: “địch đã phát hiện Đại đoàn 308 rời khỏi Điện Biên Phủ sang Lào, chúng đã ra lệnh rút quân khỏi Mường Khoa và các đồn lân cận về Nậm Bạc”.

Truy kích địch ở Nậm Hu, kiềm chế địch tại Hồng Cúm -0
Chiến sĩ DKZ, Đại đoàn 304 diệt xe tăng và bộ binh địch ở Hồng Cúm. Nguồn: nhandan.vn

Những biện pháp phối hợp đó không những tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, mà còn vây ép, dồn Sở Chỉ huy địch vào thế cô lập, buộc tướng Navarre phải lập cầu hàng không, cơ động lực lượng ứng cứu, giải tỏa. Đại đoàn 308 còn thực hiện tuyên truyền địch vận, phao tin, khuyếch trương kết quả tác chiến để thu hút sự chú ý, đánh lạc hướng địch về Thượng Lào, tạo điều kiện cho các lực lượng ở Điện Biên Phủ chuyển hóa thế trận theo phương châm đánh mới. Qua hơn 10 ngày chiến đấu, tiến công truy kích địch (từ 29.1 - 13.2), Đại đoàn 308 đã tiêu diệt hơn 17 đại đội địch, giải phóng hoàn toàn lưu vực sông Nậm Hu, đập tan hành lang chiến lược, đẩy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế bị cô lập hoàn toàn. 

Ngay sau chiến dịch Thượng Lào, đơn vị của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng rời Đại đoàn 308 về Điện Biên kết hợp với Sư đoàn 304, Trung đoàn 57 bao vây Hồng Cúm ở phía Nam, với nhiệm vụ bắn kiềm chế địch đến khi chiến dịch kết thúc. 17h ngày 7.5.1954, khi tướng De Castries đã đầu hàng, thì ở Hồng Cúm địch vẫn còn nguyên vẹn 3 tiểu đoàn Âu Phi do Đại tá André Lalande chỉ huy ngoan cố chống cự hòng thực hiện ý đồ: nếu Mường Thanh bị thất thủ sẽ là nơi bảo đảm cho số quân còn lại tẩu thoát sang Lào theo kế hoạch định trước của Navarre.

Khi quân địch ở Mường Thanh hạ súng đầu hàng, quân ta tập trung lựu pháo 105mm bắn cấp tập vào cứ điểm Hồng Cúm, mặt khác, kêu gọi địch ra đầu hàng. "Đến 18h30, địch mở đường máu rút toàn bộ 3 tiểu đoàn chạy sang Lào, chúng tôi phối hợp đón đường địch rút chạy tại cửa khẩu Tây Trang tiêu diệt; bắt sống tướng Lalande tại sở chỉ huy của hắn ở Hồng Cúm vào 23h cùng ngày", Đại tá Nguyễn Hữu Hùng nhớ lại.

Hồng Hà
#