Tạo đột phá cho ngành kỹ xảo ở Việt Nam

- Thứ Ba, 09/04/2024, 07:49 - Chia sẻ

Mặc dù Việt Nam là điểm đến thu hút trong ngành VFX (Visual Effects, kỹ xảo) nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. 

Đây là nội dung được ông Thierry Nguyen, đồng sáng lập Badclay Studio (đơn vị có uy tín trong các dự án 3D, kỹ xảo điện ảnh tại Việt Nam) đưa ra tại hội thảo “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” ngày 8.4, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - HIFF 2024.

Theo ông Thierry Nguyen, sự tăng lên về số lượng studio, đội ngũ nhân lực nhỏ nhưng nhiều nhân tài cùng sự đổi mới, xuất hiện các ngành đào tạo về dựng phim, ứng dụng kỹ xảo trong điện ảnh ở nhiều trường đại học, học viện và nền văn hóa đặc sắc cho tiềm năng sáng tạo nội dung chính là những thế mạnh mà Việt Nam đang sở hữu. Tuy nhiên, về việc bắt kịp xu hướng toàn cầu cùng điều kiện kinh tế, ngân sách, Việt Nam cần cải thiện, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật mới từ các quốc gia trên thế giới.

Tạo cơ hội đột phá cho ngành kỹ xảo ở Việt Nam -0
Các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp tạo đột phá cho ngành kỹ xảo ở Việt Nam. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Hiện Việt Nam có 102 studio và tập trung ở phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, hơn 60% studio ở Việt Nam cộng tác và làm việc với nhiều khách hàng từ các nước châu Âu, Á, Mỹ. Mặc dù xu hướng đầu tư kỹ xảo đang phổ biến, nhưng trước những rủi ro về thị hiếu khán giả và chi phí thực hiện, các nhà làm phim tại Việt Nam vẫn phải cân nhắc. Do đó, cần tìm ra cách thông minh và hiệu quả để kể một câu chuyện mà không tốn quá nhiều tiền cho VFX. 

Trong khi đó, ông Phan Tuấn Anh, đồng sáng lập, CEO Animost Studio, cho rằng, người Việt Nam ham học hỏi công nghệ, kỹ thuật mới nên việc đầu tư vào ngành VFX ở Việt Nam sẽ rất khả thi. Tuy nhiên, ngành kỹ xảo vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng tại Việt Nam. Những đóng góp của ngành vẫn chưa được biết đến rộng rãi, cũng như chưa được cộng đồng ghi nhận. 

Về giải pháp, theo ông Phan Tuấn Anh, cần gia tăng lực lượng lao động cho ngành này bằng cách phối hợp với các trường đại học, trung tâm đào tạo, tích cực tổ chức các kênh tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên thuộc mảng mỹ thuật, thiết kế. Bên cạnh đó, các studio cũng cần hỗ trợ chính những đơn vị đào tạo; cập nhật, cải thiện chất lượng giáo trình, nâng cao chuyên môn đội ngũ giảng dạy để sinh viên, học viên khi tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức và kỹ năng tiệm cận với chuẩn cao nhất của ngành.  

Làm kỹ xảo cho các phim Marvel, X-Men và nhiều phim Hollywood, ông Ming Pan, Giám đốc sáng tạo, nhà sản xuất VFX của Mixel Media cho rằng, ngành kỹ xảo Việt Nam cần có cơ chế để đột phá vươn tầm thế giới. Trong đó, các nhà làm phim trẻ cần chú trọng bảo đảm ý tưởng, lựa chọn số lượng VFX phù hợp, kết hợp sáng tạo, tìm tòi. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong VFX như một công cụ bổ trợ cho các nhà làm phim nhưng cần tìm hiểu và xác định rõ sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả tối ưu cho sản phẩm.

Hà Hương/TTXVN
#