Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024)

Sức mạnh tổng hợp cho chiến dịch toàn thắng

- Thứ Sáu, 12/04/2024, 07:28 - Chia sẻ

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève (1954), chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang sử mới cho cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò quyết định của Đảng trong nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược.

Nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược

Tại Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” sáng 11.4, Thiếu tướng, PGS.TS. Ngô Việt Cường, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng phân tích, sau gần 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Lào và Campuchia, quân Pháp ngày càng gặp bất lợi trên chiến trường Đông Dương, buộc phải có những phương sách cấp thiết để cứu vãn tình thế, hòng “tìm một lối thoát danh dự” trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Kế hoạch Navarre sau đó được thông qua với nội dung được khái quát trong: “Một mục tiêu, hai biện pháp, hai giai đoạn”, mà tiêu điểm là tập trung quân, đặc biệt là các tiểu đoàn cơ động chiến lược, hình thành những “quả đấm thép” để sẵn sàng tiêu diệt các đại đoàn chủ lực Việt Minh...

Trước những động thái của địch, Trung ương Đảng, Bộ Tổng Quân ủy và Cơ quan tác chiến chiến lược đã phân tích âm mưu của địch và hình thái chiến trường một cách sâu sắc. Đó là quân Pháp muốn tập trung binh lực, tăng cường khối cơ động chiến lược để giành lại quyền chủ động, chuẩn bị trận quyết chiến với ta trên một chiến trường do chúng lựa chọn. Nhưng chúng lại buộc phải phân tán cao độ lực lượng cơ động chiến lược trên nhiều hướng, bị động đối phó với ta cả ở rừng núi, đồng bằng và thành thị; cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ; cả ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và miền Đông Campuchia…

Sức mạnh tổng hợp cho chiến dịch toàn thắng -0
Các chiến sĩ Điện Biên chia sẻ bên lề hội thảo. Ảnh: Thu Trang

“Những nhận định, đánh giá khách quan, chính xác về địch là cơ sở quan trọng để Bộ Thống soái của ta tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu (Tây Bắc, Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào...) tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ được; đồng thời, phát động cuộc đấu tranh toàn diện trên các mặt trận sau lưng địch ở Nam Bộ, Trung Bộ đến đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng căn cứ du kích và ghìm giữ lực lượng địch ở nhiều nơi; nhất là, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng các hoạt động đó theo sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất, tạo điều kiện cho nhau giành thắng lợi”, Thiếu tướng, PGS.TS. Ngô Việt Cường nhận xét.

Khẳng định nghệ thuật chỉ đạo tổ chức chiến tranh, Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Công Sơn cho biết, ta đã nghiên cứu, đánh giá tình hình, dự báo chiến lược, đề ra chủ trương, kế hoạch tác chiến chiến lược đúng đắn; tạo thế có lợi và chuyển hóa thế trận chiến lược; sử dụng lực lượng thích hợp, tập trung cho nhiệm vụ chủ yếu... Do đó, cuộc tiến công của chúng ta mạnh mẽ, đều khắp, kết hợp nhiều phương thức đấu tranh, nhiều loại hình chiến đấu và thu được kết quả to lớn.

Rõ ràng, mưu kế chiến lược căng địch ra mà đánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quán triệt, triển khai rất thành công trong việc phân tán lực lượng cơ động của địch, tổ chức đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương, làm cho hơn 80% lực lượng cơ động của Pháp bị phân chia ra các chiến trường; khi ta tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lực lượng cơ động của địch không thể tập trung lớn để đối phó được…

Quyết giành toàn thắng cho chiến dịch

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 13.3.1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Hai ngày sau trận đánh mở đầu ở Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”; “Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Ngày 29.3.1954, trước khi mở cuộc tiến công đợt 2, Tổng Quân ủy đã gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ: “Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu, dũng cảm chiến đấu… để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng giao cho...”.

Trong đợt 2, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất cam go, quyết liệt, giành giật từng tấc đất. Trước tình hình đó, ngày 19.4.1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc và Nghị quyết về tiếp tục động viên nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ để giành toàn thắng. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Cán bộ và chiến sĩ Điện Biên Phủ phải tiếp tục thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để hoàn thành nhiệm vụ…

Theo PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương của Đảng, từ cơ quan của Chính phủ đến các khu ủy, tỉnh ủy, ủy ban hành chính các cấp thuộc Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã động viên Nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tình nguyện vào bộ đội, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Những hành động thiết thực và nguồn cổ vũ to lớn của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ngoài mặt trận càng tin tưởng, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh để đánh thắng quân thù, tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.

Ngày 1.5.1954, quân ta bắt đầu đợt tiến công thứ 3. Do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã được khẳng định lại trong hai Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ thị của Ban Bí thư, đến ngày 7.5.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Thiếu tướng Huỳnh Tấn Hùng, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần khẳng định, cùng với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, sự kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ; chỉ đạo, chỉ huy, điều hành hậu cần chiến dịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, tạo cơ sở và nền tảng để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định đất nước; chủ động chuẩn bị về mọi mặt, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “từ sớm”, “từ xa”.

Hương Sen
#